NewVnNews - Xả lũ chết người: đúng quy trình; bổ nhiệm người nhà: đúng quy trình; đấu giá đất vàng giá rẻ: đúng quy trình… Thậm chí làm chết bệnh nhân cũng đúng quy trình!

Nhờ đấu giá "đúng quy trình" mà đất vàng rơi vào tất cả cả cán bộ đấu trúng với giá rẻ bèo.

Thế nhưng điểm lại những gì xảy ra vừa qua, có thể thấy một điểm rất chung ở các “quy trình”, là tất cả các quy trình, chỉ thấy phần thiệt thuộc về người dân, còn phần lợi thuộc về các bộ lãnh đạo, cơ quan tổ chức.

Mới đây, khi làm việc về vụ việc 7 bệnh nhân chạy thận bị tử vong ở bệnh viện đa khoa Hòa Bình, bà Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Kim Tiến buộc phải hỏi: “Đồng chí Giám đốc Sở Y tế có nói nhân viên y tế tuân thủ theo quy trình. Vậy tại sao xảy ra chuyện?”. Trong khi đó, hiện người ta đang nghi ngờ và lật lại con đường và cái “quy trình” mà bệnh viện đa khoa Hòa Bình đã mua các thiết bị lọc máu, có thể liên quan tới ông Giám đốc bệnh viện Trương Quý Dương.

Còn nhớ, trước đây, ở Đăk Lăk, người ta cưa nhầm chân nữ sinh Lê Thị Hà Vi, mà lẽ ra không đáng để em phải chịu hậu quả đến mức như thế. Thế nhưng trong báo cáo, Sở Y tế Đăk Lăk nhận định Bệnh viện Đa khoa Cư Kuin “không vi phạm quy trình khám chữa bệnh”.

Có rất nhiều sự việc xảy ra một cách “đúng quy trình”, nhưng nó để lại rất nhiều những mất mát, những nỗi đau khôn xiết. Đau đớn nhất, có lẽ là hàng chục vụ xả lũ “đúng quy trình” của thủy điện. Hàng trăm mạng người, hàng ngàn nhà cửa, hàng trăm ngàn trâu bò gia súc gia cầm, hàng trăm ngàn héc-ta ruộng vườn cùng cây cối hoa màu bị cuốn đi, xéo nát. Mới đây nhất, ngày 24/5, Thủy điện sông Ba Hạ xả lũ bất ngờ làm chết 4 học sinh và 1 người đàn ông khiến ai cũng xót xa, nhưng được báo cáo tất cả đều đúng quy trình.

Chạy thận khiến 7 người chết cũng được Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình khẳng định là "đúng quy trình".
Chạy thận khiến 7 người chết cũng được Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình khẳng định là “đúng quy trình”.
Và, có một lĩnh vực nữa, cũng rất đúng quy trình, đó là công tác nhân sự, bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo. Từ việc bổ nhiệm và điều động ông Trịnh Xuân Thanh, đến bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải con ông Vũ Huy Hoàng, ông Đỗ Hoàng Anh Khoa con trai Thứ trưởng Bộ Tài chính là ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn; đến nữ nhân viên tạp vụ như bà Trần Vũ Quỳnh Anh ở Thanh Hóa, hay nữ nhân viên văn thư, lưu trữ tại Cung Triển lãm Quy hoạch Quốc gia; kể cả người bị bệnh động kinh cũng được cha bổ nhiệm làm phó khoa bệnh viện; rồi cả nhà làm quan, cả họ làm quan thỉnh thoảng lại bị cộng đồng phát hiện ra…, cũng đều có tấm khiên “đúng quy trình” che chắn cả.

Hiện tại, trên các trang mạng xã hội, cộng đồng mạng đang chia sẻ dữ dội thông tin cả họ ông Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh – Nguyễn Nhân Chiến, hầu hết học tại chức, giữ nhiều chức vụ trong các cơ quan tổ chức Đảng, chính quyền. Hiện người ta đang chờ Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Nội vụ vào cuộc, trước mắt kiểm tra thông tin loan truyền kia có đúng hay không, và nếu đúng thì cái quy trình đề bạt, bổ nhiệm ở Bắc Ninh này như thế nào.

Rồi cũng Bắc Ninh, mới đây lại xôn xao gia đình ông Nguyễn Văn Trình, nguyên Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh Bắc Ninh, có tới 9 người đều nắm giữ cương vị chủ chốt tại LĐLĐ tỉnh và LĐLĐ thành phố Bắc Ninh. Con gái của ông Trình hiện là “ứng cử viên” sáng giá nhất cho vị trí Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh này trong thời gian tới…

Lại có quy trình kỳ lạ, khi đấu giá đất chỉ toàn lãnh đạo trúng với chênh lệch chỉ cao hơn từ vài chục ngàn đến trăm ngàn đồng một mét vuông đất. Khu đất vàng 6 biệt thự ở Lào Cai giá khởi điểm chưa tới 10 triệu/m2, nhưng theo người dân và với kinh doanh bất động sản, nếu bán ra thị trường, giá thực, phải 80 đến 100 triệu mỗi mét vuông. Cái quy trình nào khiến người dân, doanh nghiệp là giới có tiền không tham gia đấu giá miếng mồi béo bở như vậy?

>>> Dân đang nghĩ gì khi Quan chức quá giàu ?

Việc bổ nhiệm bà Quỳnh Anh ban đầu cũng được báo cáo là "đúng quy trình', nhưng sau đó hồ sơ bị mất, và nhân vật cũng biến mất!
Việc bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh ban đầu cũng được báo cáo là “đúng quy trình’, nhưng sau đó hồ sơ bị mất, và nhân vật cũng biến mất!
Không rõ, “quy trình” là cái gì mà nó thần diệu đến vậy? Nó trở thành tấm khiên mầu nhiệm, che chắn được tất cả những hậu quả tệ hại xảy ra dù rất kinh khủng; nó bảo bọc giúp không có cán bộ lãnh đạo nào phải chịu trách nhiệm, bị xử lý.

Và cũng vì các công việc được thực hiện “đúng quy trình” nên giờ rất khó sửa. Chẳng hạn đã bổ nhiệm con cháu lãnh đạo vào các cơ quan rồi, giờ xử lý thế nào đây, thì lúng túng như gà mắc tóc.

“Quy trình”, đến giờ phút này trong dư luận xã hội, trong tâm tư tình cảm của người dân, là một cái gì đó rất phản cảm. Tuy nhiên nó vẫn luôn được đưa ra để giải quyết tất cả mọi trường hợp mà người dân thắc mắc, tất cả những hậu quả do cán bộ lãnh đạo thực hiện gây ra.

Từ “quy trình”, được từ điển tiếng Việt giải nghĩa là “trình tự phải tuân theo để tiến hành một công việc nào đó”. Thông thường người ta xây dựng quy trình để khi thực hiện công việc sẽ đạt được kết quả tốt nhất, ví dụ khám chữa bệnh thì bệnh nhân mau lành, nghiên cứu khoa học mau đạt kết quả, tuyển dụng bổ nhiệm sẽ chọn đúng người tài đức, thu chi tài chính không bị lạm thu hay thất thoát, giúp minh bạch hóa, chống tham ô tham nhũng… Nói chung là mục đích để công việc, hiệu quả được tốt lên. Nhưng có điều lạ là, hiện nay, các “quy trình”, chả rõ vì lý do gì mà kết quả đều ngược lại? Ví dụ chữa bệnh thì bệnh nhân… mau chết, bổ nhiệm nhân sự thì nhân viên văn thư lưu trữ, lái xe trong vòng vài năm lên làm lãnh đạo cấp cao, cả nhà cùng chia nhau chức vụ…

Có cái lạ là, tất cả các “quy trình” đều giống nhau ở chỗ là chỉ có lợi cho cán bộ, lãnh đạo. Trong khi, cũng là “quy trình”, nhưng nó lại hành hạ dân, khiến người dân khổ ải ghê gớm. Ví dụ, đi làm thủ tục cho ngôi nhà, miếng đất, đi xin cái giấy phép, thậm chí có tiền đem đi nộp thuế, lại phải năm phen bảy bận, bỏ công bỏ việc, đi lên đi xuống, trần ai cuốc chĩa. Một dự án bất động sản phải mất vài năm để có vài chục con dấu, nhưng tạp vụ thì chỉ 2 năm là lên cấp trưởng phòng và quy hoạch Phó Giám đốc Sở, là những quy trình đang áp dụng hiện nay.

Có thể là người ta đã làm đúng quy trình thật! Nhưng lẽ ra phải đặt câu hỏi là sao cái gì làm đúng quy trình cũng sinh ra hư hỏng, tệ hại cả? Nếu các quy trình chỉ đem lại thiệt hại, thì phải thấy ngay rằng đây là những quy trình đang có vấn đề. Có thể nó có vấn đề về tính khoa học, tức người/tổ chức soạn ra quy trình này đã không soạn được một quy trình tốt; hoặc nó đã bị lợi dụng để phục vụ những mục đích cá nhân, mà mục đích này làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia, của người dân.

Quy trình nào cũng do con người đặt ra. Nếu thấy nó không hợp lý thì phải sửa, nếu thấy nó bị lợi dụng thì phải bịt. Nếu không xem trọng việc kiểm soát, chấn chỉnh, thậm chí xử lý nặng những kẻ lợi dụng để phục vụ mục đích cá nhân, thì có thể một ngày, cả hệ thống lãnh đạo và quản lý sẽ bị chính cái lá bùa hộ mệnh “quy trình” đẩy cho trượt dài, làm cho mục ruỗng.

Đặng Vỹ
NewVnNews

Bình Luận:

Mới Nhất

Đọc Nhiều