no image


Về đôi mắt vàng của Tề Thiên Ðại Thánh và 81 kiếp nạn

- Mỹ hầu vương đặc biệt có đôi mắt vàng sáng chói, chiếu suốt qua các cung Trời làm Ngọc Hoàng rĩng động, kinh ngạc. Ðôi mắt vàng ấy phân biệt rõ chính tà, hư thật. Ðôi mắt vàng ấy đã ràn rụa nước mắt trước cảnh đời vô thường, khổ đau đi tìm đường học đạo bất sinh bất diệt từ Tôn giả Tu Bồ Ðề tại một trú xứ xa xăm. Ðôi mắt vàng ấy đã là linh hồn của cuộc hành trình thỉnh Kinh mà thiếu nó thì tức thời phái đoàn rơi nào ma nạn.

Ðôi mắt vàng ấy là gì, nếu không phải là biểu tượng của trí tuệ Bát Nhã, của giáo lý trí tuệ Bát Nhã của Phật giáo?

- Như giáo lý Phật giáo đã “dựng đứng dậy những gì bị quăng ngã xuống, mở ra những gì bị che kín”, đôi mắt vàng của Mỹ hầu vương đã thấy và đã làm cho chúng ta thấy cái sự thật mộng mị, bất toàn, hư dối từ âm phủ đến Thiên cung. Cuộc đại náo của Tề Thiên Ðại Thánh tại Long cung và Thiên cung là sự đánh thức dậy sự thật ấy cho chúng sinh tại đó thấy rõ lối ra khỏi vô thường, không thật để đi vào nguồn giải thoát chân thật. Vì vậy chiếc thiết bổng nặng nghìn cân của Ðại Thánh Tề Thiên, biểu hiện sức mạnh của đôi mắt vàng, là chiếc gậy đánh thức mà không phải nổi loạn, là xây dựng mà không phải đập phá. Chiếc gậy sắt ấy đập phá các nguyên nhân gây ra đau khổ cho cuộc đời và xây dựng an lạc, hạnh phúc của vô sinh. Chỉ đôi mắt vàng tuyệt với kia xuất hiện trong tiểu thuyết hay truyện phim là đủ để chúng ta đánh giá cao tiểu thuyết ấy, phim ấy.

Hầu như suốt thời gian theo dõi cuộc hành trình thỉnh Kinh, chúng ta đã bị cuốn hút bởi cái nhìn chính xác và bởi thái độ tự chủ trước các hiểm nạn và trước mọi cám dỗ của Tôn Hành Giả. Mỗi cái nhìn, mỗi bước đi của Hành Giả như vang lọng lời Kinh Bát Nhã:

“...Dĩ vô sở đắc, cố Bồ-đề-tát-đỏa y Bát Nhã Ba La Mật-đa, cố tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn’.

2. Biểu tượng của hồi thứ 14

Ở hồi thứ 14 này, sáu tên cướp đường là “mắt nhìn mừng”, “tai nghe giận”, “mũi ngữi thích”, “lưỡi nếm nghĩ”. “thân vốn lo”, và “ý thấy muốn” đón Ðường Tăng và Tôn Hành Giả. Tôn Hành Giả đã dễ dàng đánh chết chúng, và đã thẳng thừng thưa sư phụ Ðường Tăng: “Thưa sư phụ, đệ tử không đánh chết chúng thì chĩng sẽ đánh chết sư phụ”. Câu này có nghĩa là:

“Nếu đệ tử không đánh chết các tâm phiền não (mừng, giận, ưa thích, ham muốn, lo buồn....) khởi lê từ sáu căn thì đệ tử sẽ đánh mất lý tưởng giải thoát độ sinh”.

Sáu tên cướp đường kia là biểu tượng cho sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp. Nếu thiếu giác tỉnh chế ngự chúng, thì chúng sẽ đột nhập sáu căn (tai, mắt, mũi, lưỡi, thân và ý) gây ra giặc phiền não, khổ đau. Ðánh chết chúng là biểu hiện mạnh mẽ quyết tâm giải thoát và nhiếp được phần thô động của thân hành, khẩu hành và ý hành. Ðây là công phu giải thoát bước đầu vậy.

3. Biểu tượng của hồi thứ 26

Tại Ngũ Trang Quán, trú xứ của vị đại Ðịa tiên Trấn Nguyên Tử, Tôn Hành Giả ăn trộm ba quả nhân sâmvà nổi cơn thịnh nộ đánh bật gốc rễ cây nhân sâm vô cùng quý báu của người. Cây nhân sâm là loại kinh căn có mặt từ khi thiên địa mới khai tích, quý nhất trong vườn cây của vị đại Ðịa tiên. Vì thế, Trấn nguyên tử, với thần thông vô lượng, đã bắt giữ trọn phái đoàn Tây du. Tôn Hành Giả phải nhiều phen chiến đấu vất vả, rồi đến Ðông Hải cầu Bồ Tát Quán Thế Âm dùng Cam lồ thủy hồi sinh cây nhân sâm mới thoát nạn.

Tại đây, Ngũ Trang Quán là biểu tượng của Ngũ hành, lúc theien đại khai tích là biểu tượng lúc âm dương mới tượng. Âm dương phối hợp với ngũ hành, theo đạo Nho, sinh ra vạn hữu. Cây nhân sâm vì thế là b iểu tượng cho nguồn gốc của các pháp hữu vi. Thế là, ở đây Tôn Hành Giả, với trí tuệ Vô ngã của mình, đã có khả năng làm bật gốc các pháp hữu vi (Tam giới), nhưng vì tập khí sinh tử còn nhiều nên thân tâm còn phải chịu hệ lụy trong sinh tử, như phái đoàn Tây du đang bị giam giữ tại Ngũ Trang Quán.

Nước Cam lồ của Bồ Tát Quán Thế Âm là biểu tượng cho nước phạm hạnh lấy từ trí tuệ Bát Nhã Ba La Mật của Bồ Tát, là thứ nước dập tắt lửa ái, lửa thủ, vô minh, là thứ nước của vô sinh, siêu vượt sinh diệt. Do vì siêu vượt sinh diệt nên nó thiết lập được sinh diệt, làm hồi sinh được cây nhân sâm.

Pháp Phật cao là ở chỗ này. Pháp Phật thoát ly sinh tử là ở chỗ này.

Xây dựng cảnh nạn Ngũ Trang Quán là Ngô Thừa Ân muốn giới thiệu nét giáo lý đặc thù vô tỉ của Phật giáo và vừa chỉ đường cho hành giả phá đổ tâm sinh diệt của các ngã tưởng (ngã tưởng, nhơn tưởng, chúng sinh tưởng, thọ giả tưởng, pháp tưởng, phi pháp tưởng, tưởng và phi tưởng).

4. Biểu tượng của hồi thứ 27

Tại đây, nữ yêu tinh Bạch Cốt ba lần quyết hại Ðường Tăng, ba lần hóa hiện dân lành để đánh lừa lòng từ bi của Ðường Tăng, nhưng cả ba lần đều bị Tôn Hành Giả phát hiện đánh chết. Sự kiện này khiến Ðường Tăng phẫn nộ Hành Giả. Bát Giới lại xúc siểm với Ðường Tăng, bảo rằng Tôn Hành Giả đã ác ý giết chết ba người lương thiện mà thưa dối với Ðường Tăng là ba con quỷ. Ðường Tăng quyết định đuổi Tôn Hành Giả về Hoa Quả sơn. Ðọc truyện và xem phim đến hòi này ai cũng xúc động đến chảy nước mắt, cũng thở ngắn than dài: Ôi! thật là bi thương! Thật là bi kịch!

Hậu quả của bi kịch trên do Ðường Tăng mê mờ không thấy rõ hư, thật, và do lòng ganh ghét, đố kỵ, xúc siểm của người sư đệ còn đầy vô minh, Trư Bát Giới.

Ðây là chỗ diễn đạt tài tình của Ngô Thừa Ân và diễn xuất tuyệt vời của phim ảnh.

- Nữ ma Bạch Cốt là biểu tượng của các vọng tâm sinh khởi từ tham, sân, si mà giáo lý có khi chỉ nói vắn tắt là ái tâm.

Lần thứ ba, Tôn Hành Giả đánh chết Bạch Cốt Tinh là biểu tượng cho việc tu tập đoạn trừ vọng tâm phải thực hiện nhiều lần (ở Phạn Văn, số ba mới là số nhiều). Lại nữa, trong thiền quán, hành giả chỉ thấy và đoạn vọng tâm khi nó diệt, chưa đủ; thấy và đoạn vọng tâm khi nó tồn tại, cũng chưa ổn; khi cần phải thấy và đoạn vọng tâm khi nó khởi nữa, cho đến lúc này vọng tâm mới thật sự được diệt trừ. Ðây là ý nghĩa rất chuyên môn về Phật học (thiền định Phật giáo).

Dựng nên cảnh bi kịch này, Ngô Thừa Ân muốn nói lên một sự thật giáo lý Phật giáo rằng: nếu hành giả tu tập Giới và tu tập từ tâm mà thiếu trí tuệ giải thoát thì công phu tu tập giải thoát chỉ là các xác sống không hồn, ảm đạm, vô cùng ảm đạm: Không có trí tuệ Vô ngã thì sẽ không có giải thoát và không có đạo Phật.

Tại đây, chúng ta đâu dám nghĩ rằng tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân đầy hư cấu là thần thoại, nhảm nhí?

5. Biểu tượng về Hồng Hài Nhi, La sát và Ngưu Ma Vương (Hồi 42, 60 và 61)

Theo dõi hành trình của phái đoàn Tây du, chúng ta thấy rằng cứ mỗi lần vượt qua được một ma nạn, là mỗi lần phái đoàn tiến thêm một bước gần giải thoát sinh tử; mỗi lần kẹt vào một ma nạn là mỗi lần phát hiện ra chỗ ngưng trệ của tâm thức giải thoát của phái đoàn, cũng là chỗ ngưng trệ tâm thức của hành giả tu tập.

- Hồng Hài Nhi đã bắt giam Ðường Tăng, Ngộ Năng, Ngộ Tịnh và Tiểu Long mã. Ngộ Không cũng chiến bại trước vòng xe lửa của Hồng Hài Nhi. Vòng xe lửa ấy biểu tượng của lửa tham và lửa sân, thế lực mạnh nhất của ma giáo. Ngộ Không thì không tham, có trí tuệ, nhưng còn cái động của sân nên đã bị vòng lửa của Hồng Hài Nhi đốt sém, mà không thể dập tắt được vòng xe lửa, dù đã vận dụng nhiều thứ thần thông. Ngộ Không đã phải cầu viện Bồ Tát Quán Thế Âm thu phục Hồng Hài Nhi mới thoát nạn.

Ngang đây, Ngô Thừa Ân đã giới thiệu với người học Phật và hành giải thoát rằng: cần phải vận dụng thiền quán sâu xa về trí tuệ Vô ngã thì hành giả mới dập được tham, sân, si và quyến thuộc của chúng. Cái ngưng trệ của giải thoát tại đây là do hành giả hành Giới chưa thuần (ý nghĩa Bát Giới bị trói), Ðịnh chưa vững (ý nghĩa Ngộ Tịnh bị giam) và Tuệ chưa ổn (ý nghĩa Ngộ Không suýt bị đốt). Từ đây hành giả cần tu tập phát triển mạnh thêm Giới, Ðịnh, và Tuệ.

- Ở hồi mượn quạt Ba tiêu để dập tắt hỏa diệm sơn trên đường Tây du, Ngộ Không bị bà La-sát phất một quạt bị đẩy đi xa mười vạn dặm. Sau nhờ Bồ Tát Văn Thù cho uống “định phong đơn” mới vô hiệu hóa tác dụng của quạt Ba tiêu, mới vận dụng được kế sách chế ngự bà La-sát.

Quạt Ba tiêu là tượng trưng bát phong ở đời (khen. Chê, mừng, giận, danh vọng, lợi dưỡng, được mất). Tám thứ ấy thường làm giao động tâm thức người tu, nếu thiếu giác tỉnh và thiếu định lực. Vì vậy khi uống vào “định phong đơn” nghĩa là khi tâm định đã vững, thì hành giả thoát được nạn quạt Ba tiêu, hàng phục được nhiều thứ vọng tâm.

Qua được nạn này là phái đoàn Tây du đi được nữa đoạn đường giải thoát về Tây Trúc, tự tại được trước các thị phi, bỉ, thử, danh vọng và lợi dưỡng ở đời. Thành quả giải thoát này thật là đáng kể!

- Cũng ở hồi này (60 và 61), sách lược chiến đầu của Tôn Hành Giả là đánh thẳng vào đầu não của ma quân, chui ngay vào bụng La-sát mà quậy phá. La-sát chỉ còn một cách chọn lựa: đầu hàng. Ðây là ý nghĩa thiện xảo của các pháp tu của đạo Phật, luôn luôn loại trừ vọng niệm từ gốc rễ, từ đầu nguồn.

- Ðối với nhân vật Ngưu Ma Vương, Tôn Hành Giả đã hóa ra Ngưu Ma Vương giả để gạt La-sát lấy quạt Ba tiêu, nhưng chính Ngưu Ma Vương đã tương kế tựu kế biến hóa ra Ngộ Năng giả để lấy lại quạt Ba tiêu từ tay Hành Giả. Hành Giả đã phải buông lời than: “mình là người bắt rận thiện xảo lại xui xẻo để bị rắn căn”.

Ðây là biểu tượng của pháp tu hành “Tùy quán” của thiền định. Hành pháp này hành giả cần cẩn trọng giữ chánh niệm, hễ thất niệm thì rơi vào vọng tâm và bị trói buộc vào vọng tâm. Cần phải luôn luôn biết rõ tâm mình đang ở đâu và nó là gì (quyến thuộc của tham, sân, si hay vô tham, vô sân, vô si).

6. Biểu tượng của hồi thứ 54, 64 và 72

Một nhà quân sự, khi đánh một đồn, bót địch thì thường phải có kế sách: công đồn, chặn viện. Sau khi chặn viện xong thì công hãm đồn, nếu không thì sẽ lưỡng đầu thọ địch. Cũng vậy, hành giả trên đường giải thoát cần phải dẹp giặc trong và đánh giặc ngoài. Khi hàng phục được giặc “Lục tặc” và “Bát phong” ở ngoài thì hành giả tập trung vào trong để diệt giặc nội. Ðấy là công việc chế phục, loại trừ dục ái, hữu ái và vô hữu ái. Về dục ái, thì có thể dùng định tâm để nhiếp, nhưng còn hữu ái và vô hữu ái, thì phải dùng trí tuệ để trừ. Chúng ta hãy tiếp tục theo dõi cuộc hành trình Tây du.

- Hồi thứ 54 diễn ra cảnh nữ vương nước Tây Lương thiết tha yêu Ðường Tăng. Ðường Tăng đã hoàn toàn tự chủ trước mối tình đẹp và lạ này. Ðây là biểu tượng Ðường Tăng chế phục được Dục ái.

- Hồi thứ 64 xẩy ra cuộc tình thơ mộng giữa thơ, nhạc và tiên tửu của Hạnh Tiên. Mối tình nhẹ nhàng như mỗi tình ở Thiên giới, nhưng hiểm họa cũng khốc liệt. Tại đây Ðường Tăng vẫn tỉnh táo, nhưng xem dra thế tự vệ đã có chiều nguy hiễm, sinh tử thầy gần kề. May nhờ Tôn Hành Giả cứu giá. Ðây là ý nghĩa biểu tượng: chỉ có trí tuệ Vô ngã ở trong thiền định mới cắt đứt được hữu ái. Am mộc tiên (ở hồi 64 này) quả là nơi đáng nhớ của Ðường Tăng!

- Hồi thứ 72 xẩy ra ở động Bà Ty. Tại đây Ðường Tăng một mình tự dấn thân vào sào huyệt của bảy tiên cô nhền nhện tuyệt đẹp, những tiên nương thường tắm gội ở suối trời Trạc Cấu (suối rửa sạch các cấu bẩn của dục ái). Các tiên nương này không nghĩ gì đến chuyện mây mưa mà chỉ muốn ăn thịt Ðường Tăng.

Bảy yêu nhền nhện là biểu tượng cái tinh tế của ái, đó là vô hữu ái. Vì thế, chúng chiến thắng được Ngộ Năng, nhưng bị tiêu diệt bởi Hành Giả.

Bảy yêu nhền nhện cũng là biểu tượng của thất tình (hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục). Với thất tình, công phu của Giới không thể chiết phục (nên Bát Giới bị trói) mà chỉ có trí tuệ loại trừ.

Bảy yêu nhền nhện lại dựa vào sức mạnh của người sư huynh Bách Nhỡn ma quân mà tác quái. Bách Nhỡn ma quân có tà pháp phun ra sức nóng và khói mù che kín cả trời đấy khiến Ngộ Không thúc thủ. Ngộ Không phải cầu cứu Bồ Tát Tỳ Lam dục độc Kim luyện từ ánh sáng mặt trời để chế trị Bách Nhỡn ma quân.

Bách Nhỡn ma quân vì thế là ý nghĩa biểu tượng của vô minh (si mê, phóng ra khói mù chấp ngã và lửa dục, chỉ chịu khuất phục trước trí tuệ thuần phục của Tỳ Lam Bồ Tát (biểu tượng bằng cây kim luyện từ mặt trời).

Ðây là hiểm nạn khó squa của Tôn Hành Giả.

7. Biểu tượng của hồi thứ 58

“Hai lòng xáo trộn cả Càn khôn

Một thế khó tu thành tịch diệt”

Cái cảnh hai Tôn Hành Giả xuất hiện trong ngôn ngữ và hành động giống hệt nhau gây xáo trộn cả trời đất, thiên đình và Bồ Tát đều không phân biết được, chỉ có Như Lai mới vạch rõ chân tướng của Tôn Hành Giả giả.

Ðây là một cảnh diễn đạt về một cảnh tâm rất tế nhị.

Ngô Thừa Ân tại đây đang giới thiệu rằng chân tướng của các pháp chỉ có thể đạt được bằng thật trí, Phật trí và sự thật luôn luôn ở ngoài các ngã tướng, như Kinh Kim Cang dạy: “Phàm cái gì là ngã tướng thì hư vọng” (Phàm sở hữu tướng gia thị hư vọng). Hệt như trường hợp trước hai chú tiểu cuốn sáo, một thiền sư kêu lên: “Một được, một mất”.

Hồi thứ 58 này cũng nói lên rằng giá trị chân thật của con người cũng ở ngoài các tướng trạng, rời khỏi tướng “ nhị thủ” (chấp có năng và sở). Chấp vào trí tuệ Vô ngã cũng là chấp thủ, sẽ ngăn ngại giải thoát, như phái đoàn Tây du khó xử trước hai Tôn Hành Giả vậy.

8. Kế sách đối trị ác ma.

Dọc cuộc hành trình Tây du, Tôn Hành Giả phải đương đầu với nhiều loại ác ma, đương đầu với nhiều loại vũ khí tàn độc, Tôn Hành Giả vận dụng đủ 72 phép thần thông dựa vào bốn kế sách chính:

- Kế sách khắc chế: Dùng khắc chế để đối trị như dùng nước để dập tắt lửa, dùng gà để diệt rết.

- Vào tận hang cọp để bắt cọp con: Tôn Hành Giả thường chui ngay vào bụng ác ma để quấy phá.

- Tận diệt ác ma để trừ hậu hoạn.

- Khi sử dụng thần thông thất bại thì cầu viện Như Lai, Bồ Tát.

(đây là ý nghĩa vận dụng trí tuệ Bát Nhã thâm sâu).

Bốn kế sách trên cũng là bốn phương pháp mà người tu sử dụng để loại trừ các vọng niệm.

9. Về đạo đức Phật giáo.

- Suốt tập truyện Tây Du Ký, bên cạnh các giáo lý Phật giáo vừa được đề cập ở trên, Ngô Thừa Ân thường nói đến nhân quả, nghiệp báo và khuyến khích hành thiện như trong cảnh vu Ðường du địa phủ, trong hồi 71, vua Chu Tử bị nạn, trong hồi 87 nói về chuyện công chúa bị yêu ma đánh tráo.v.v...

- Tác giả, dưới hình thức nhận diện bổn sinh, thường vạch rõ chân tướng của các yêu, ma, quỷ, quái đều là gốc thú vật cả, là những gì gớm tởm cần được tránh xa.


Tại sao Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại nhưng vẫn phải phục tùng Đường Tăng?


Đường Tăng có thứ gì mà Tôn Ngộ Không không có? Nhờ nhân tố gì mà Đường Tăng có thể là thầy và khiến Tôn Ngộ Không phải nghe lời và phò tá.


Cho rằng Đường Tăng vô dụng, để Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại đi lấy kinh một mình sẽ bớt được phiền hà… có lẽ là suy nghĩ của một bộ phận không nhỏ các khán giả nhí khi xem bộ phim "Tây Du Ký".
Nếu như đi lấy Kinh cử một mình Ngộ Không đi, chẳng phải quá trình lấy kinh sẽ được rút ngắn và giảm bớt được rất nhiều rắc rối sao?

Thế nhưng khi trưởng thành, suy nghĩ sâu sắc hơn, có nhiều trải nghiệm hơn, đặc biệt là sau khi đi làm, làm việc dưới sự lãnh đạo của người khác hoặc đứng trên cương vị lãnh đạo người khác, những bạn nhỏ ngày nào sẽ hiểu ra rằng, việc để Đường Tăng lãnh đạo Ngộ Không, hẳn là có đạo lý của nó, nếu không, sự nghiệp lấy kinh vĩ đại ấy sẽ chẳng thể thành công.

Vậy thì, suy cho cùng, Đường Tăng có thứ gì mà Tôn Ngộ Không không có? Nhờ nhân tố gì mà Đường Tăng có thể là một nhà lãnh đạo trong khi Ngộ Không tài giỏi như vậy chỉ là một nhân viên?
Thứ nhất “niềm tin cao thượng” là thứ Đường Tăng có, Ngộ Không không có

Đường Tăng với niềm tin cao thượng của mình, đứng trước hiểm nguy đến mức có thể mất mạng, ông vẫn không hề nao núng. Trong khi đó, Tôn Ngộ Không không thể làm được điều này.

Tôn Ngộ Không là một nhân vật tài năng nhưng không có niềm tin kiên định, bất di bất dịch, nhiều lần nản chí bỏ cuộc.

Người không có niềm tin sẽ không thể cho người khác lòng tin, không thể cho người khác động lực, gặp phải khó khăn sẽ dễ dàng rút lui. Là một người lãnh đạo nhưng không có ý chí bền bỉ quyết tâm, bỏ cuộc giữa chừng, cả nhóm sẽ nhanh chóng bị tan rã.

Thậm chí, nếu niềm tin của người lãnh đạo không đủ cao thượng, mạnh mẽ và quyết liệt, mưu lợi cá nhân, mang trong mình tâm lý dễ thỏa mãn, cũng sẽ khiến người khác rời xa mình.

Hãy liên tưởng đến nhân vật Tống Giang trong "Thủy hử", một người lãnh đạo không có niềm tin đủ lớn mạnh đã đưa tất cả những vị anh hùng Lương Sơn bạc vào chỗ chết.
Đường Tăng hội tụ tố chất của một người lãnh đạo, đó là lý do các đệ tử luôn nghe lời ông
Thứ hai "vô dụng" là thứ mà Đường Tăng có, Ngộ Không không có

Đường Tăng "vô dụng" nên ông mới đánh giá cao những người có năng lực, có thể bao dung những khuyết điểm của người khác, như thế mới có thể tìm được 3 đệ tử có năng lực, trung thành, dốc sức bảo vệ mình.

Nếu như Đường Tăng cũng thần thông quảng đại, Tôn Ngộ Không sẽ chẳng tình nguyện theo ông. Ngược lại, vừa hay Đường Tăng "vô dụng", Tôn Ngộ Không mới có đất dụng võ, có thể phát huy đầy đủ và toàn diện giá trị của bản thân.

Năm xưa Tư Mã Ý bắt được lính nước Thục, mới hỏi người đó Gia Cát Lượng hằng ngày làm những gì, viên lính kia nghĩ rằng, đây chắc không phải là thông tin tình báo nên vô tư trả lời rằng, phàm là việc quân, trách phạt từ 20 trượng trở lên đều đích thân Tể tướng giám sát.


Tư Mỹ Ý qua đó biết rằng, Gia Cát Lượng làm vậy chắc chắn sẽ rất mệt mỏi – một lãnh đạo giỏi giang, địch còn chưa xuất hiện bản thân đã quá mệt mỏi vì công việc rồi.

Trong khi đó, Đường Tăng dù đôi khi bị chỉ trích là một "khối thịt trường sinh vô dụng" song ông luôn rất an toàn và có phần nhàn hạ.
Thứ ba, Đường Tăng có "nhân đức", Ngộ Không thì không

Với yêu quái, Đường Tăng cũng có tấm lòng nhân đức, xót thương. Vậy thì lẽ tự nhiên, ông cũng sẽ yêu thương, chẳng bao giờ tính toán với cấp dưới của mình.

Mặc dù Đường Tăng rõ ràng cần đến sự bảo vệ của ba đồ đệ nhưng ông tuyệt đối không có ý bóc lột sức lao động của họ.

Thay vào đó, dưới sự lãnh đạo của nhà sư này, cả bốn thầy trò cũng nỗ lực, cùng trưởng thành và cùng thành công. Cuối cùng, cả ba đồ đệ của Đường Tăng đều có thành tích riêng.
Ngộ Không dù thần thông quảng đại nhưng về nhân đức thì không thể bằng Đường Tăng

Đường Tăng không giống như Triệu Khuông Dận dễ dàng tước bỏ binh quyền của tướng lĩnh, cũng không bạc bẽo đối xử với cấp dưới theo kiểu "vắt cam bỏ vỏ".

Rõ ràng về sau, Tôn Ngộ Không đã vượt qua mọi thử thách mà thành phật trong khi những con khỉ ở Hoa Quả sơn vẫn chỉ là một bầy khỉ không hơn!
Thứ tư, Đường Tăng có "quan hệ xã hội", Ngộ Không kém

Tiền thân của Đường Tăng là đệ tử của Phật Tổ trong khi tiền thân cả Tôn Ngộ Không chỉ là một con khỉ đá được trời đất sinh ra, không có bất cứ mối quan hệ nào.

Mặc dù Ngộ Không cũng có sư phụ song quan hệ thầy – trò lại không hề tốt, thậm chí còn bị thầy đuổi; kết huynh đệ với Ngưu Ma Vương song cuối cùng cũng lật mặt; là hàng xóm với Đông Hải long vương nhưng sau lại cướp đồ của người ta.
Bài liên quan
Vì sao đạo Phật coi 'bỏ mứa đồ ăn' là có tội?

Là đồng nghiệp với Nhị Lang Thần cùng một số quan lại trên thiên định nhưng Ngộ Không chẳng giữ thể diện cho ai, đại náo thiên cung khiến người người giận dữ. Nói tóm lại, quan hệ xã hội của Ngộ Không rất không ổn.

Trong khi đó Đường Tăng lại khác, chỉ cần gặp ông, thần tiên cũng cúi đầu cung kính, không gây thù chuốc oán với ai. Ông không chỉ là đệ tử của phật tổ mà còn là anh em với vua Đường Lý Thế Dân; quan hệ với cả người và thần đều rất tốt.

Quan hệ xã hội tốt sẽ giúp ích nhiều cho công việc, người như vậy làm quản lý, công việc sẽ thuận buồm xuôi gió hơn so với một người chẳng được lòng ai.
no image


Bốn đồ đệ của Đường Tăng là Tôn Ngộ Không, Sa Ngộ Tĩnh, Trư Ngộ Năng và Ngộ Ký (tức Bạch Long Mã) đều có chung một chữ “Ngộ” trong tên, có nghĩa là “Giác Ngộ” trong tiếng Hoa và là một điều tối quan trọng đối với người tu luyện. Vì con người bị rơi vào cõi mê, không thể thấy được cảnh tượng của “Thiên quốc”, “Địa ngục”, và “Phật Đạo Thần” bằng mắt thịt; do đó việc tin vào sự tồn tại của Thần Phật là điều kiện cần để có thể bước vào con đường tu luyện. Sau khi một người trở thành người tu luyện, chữ “Ngộ” mang nhiều ý nghĩa hơn.
Năm thầy trò Đường Tăng trên đường lên Tây Thiên thỉnh kinh.

"Ngộ" bao gồm cả sự lĩnh hội về Pháp lý mà Sư Phụ đã chỉ dạy, hiểu biết về những mối quan hệ trong xã hội và gia đình, cũng như nhận thức về nghiệp bệnh và ma nạn mà người đó phải trải qua. “Ngộ” nghĩa là một người có thể nhận thức mọi thứ theo cái nhìn của một người tu luyện và làm theo những gì mà Sư Phụ đã chỉ dạy. Vượt qua bao nhiêu khó khăn, trở ngại tượng trưng bằng 81 kiếp nạn, người quyết chí tu hành mới hoàn thiện chính mình và giác ngộ.

Chữ “Không” trong Tôn Ngộ Không

Chữ “Không” có nghĩa là xả bỏ tất cả tâm chấp trước và dục vọng. Được sinh ra từ một hòn đá, Ngộ Không vốn không có thân thể người thường và được hiện thân thành một con khỉ. Tuy không có bất kỳ kinh nghiệm nào của con người và không có nhiều quan niệm của người thường, Ngộ Không là một người học hỏi nhanh chóng và tinh thông.

Trước khi trở thành đồ đệ của Đường Tăng, Ngộ Không từng học Đạo với Tổ Sư Bồ Đề, và học được 72 phép thần thông biến hóa cũng như phát triển những công năng phi thường. Rồi anh được luyện trong lò Bát Quái của Thái Thượng Lão Quân trên Thiên đình, và đã luyện thành hỏa nhãn kim tinh, có khả năng nhìn xuyên thấu. Kỳ thực, anh đã đạt được thiên nhãn thông, đạt được con mắt của trí huệ.

Mọi loại yêu ma đều phải hiện nguyên hình trước con mắt của Tôn Ngộ Không. Tôn Ngộ Không trảm yêu trừ ma và bảo vệ sư phụ của anh trong cuộc hành trình sang Tây Trúc thỉnh kinh. Anh luôn một lòng kiên định và không hề do dự về cuộc hành trình của họ. Chính sự thông thái, lý trí của Ngộ Không đã dẫn dắt, soi đường cho mọi hành động.

Anh không hề cảm thấy đau buồn khi sư phụ của anh bị yêu quái lừa gạt và đổ tội cho anh đã nhầm lẫn, trong khi sư đệ Trư Ngộ Năng nói xấu anh với sư phụ, và ngay cả khi sư phụ đuổi anh đi. Sau khi trở về hang động của mình, anh vẫn luôn lo lắng cho sự an nguy của sư phụ. Anh không hề mang chấp trước về danh, lợi, tình và không còn nhân tâm đến cuối cùng đã thành tựu chính quả, được Phật Tổ phong làm “Đấu Chiến Thắng Phật”.

Khi về tới chùa Lôi âm, thành Phật rồi, không cần cởi vòng kim cô tự lúc nào đã biến mất; đây là chi tiết cho thấy cái trí của Ngộ Không đã hoàn toàn thuần dưỡng, không cần kỷ luật nó vẫn vận động đúng.

Chữ “Tĩnh” trong Sa Ngộ Tĩnh


Chữ “Tĩnh” là nói về tâm thanh tịnh và trong sạch. Nó cũng mang ý nghĩa là loại trừ đi nhân tâm. Tĩnh để mà khắc chế cái động, cái chưa thanh tịnh; tĩnh để mà kham nhẫn, chịu đựng.

Sau khi trở thành đồ đệ của Đường Tăng, Sa Ngộ Tĩnh đã từ bỏ được rất nhiều ma tính của mình trong quá khứ. Anh dắt ngựa, mang hành lý, làm việc rất cực nhọc và không tỏ ra giận dữ khi bị phê bình. Anh đã theo sư phụ của mình một cách kiên định trong suốt cuộc hành trình tới khi đến đích. Vì công lao của anh không to lớn bằng đại sư huynh, anh chỉ thành tựu ‘Kim Thân La Hán’.

Chữ “Năng” trong Trư Ngộ Năng

Chữ “Năng” là nói đến những tâm tính bản năng, tính tham và dục: tham ăn, tham ngủ, tham của, tham sắc và tham nịnh nọt cho được lợi về mình. Khí giới của họ Trư vì thế phải bắt buộc là đinh ba, là cào cỏ, để mà vơ vào cho nhiều, cho vừa lòng tham dục. Bát giới là sự tập hợp những bản năng rất vật dục và tầm thường nơi con người. Vì thế mà pháp danh của Bát giới là Ngộ năng.

Trong cuộc hành trình sang Tây Thiên, Ngộ Năng đã từng muốn bỏ cuộc để cưới một thiếu nữ xinh đẹp tại Cao Lão Trang. Khi họ đến Nữ nhân quốc, anh không muốn ra đi và thậm chí còn khuyên cả sư phụ của mình lưu lại. Khi hộ giá sư phụ sang Tây Thiên, anh đã tỏ ra không kiên định và từng khuyên mọi người bỏ cuộc và quay trở về.

Ngoài ra, anh còn có những tâm chấp trước khác như ham tiền, tham ăn, tham ngủ, và tật đố. Anh thường nói xấu Ngộ Không trước mặt sư phụ. Anh vẫn còn rất nhiều nhân tâm. Cuối cùng, anh đã không tu thành chính quả. Anh chỉ trở thành “Tịnh Đàm Sứ Giả” chịu trách nhiệm về thức ăn tại Tịnh Đàm. Anh còn than phiền với Phật Tổ: “Tất cả họ đều thành Phật, tại sao tôi chỉ trở thành sứ giả?”. Phật Tổ nói rằng bởi vì anh quá tham ăn. Là một người tu luyện, bất cứ chấp trước nào của người thường sẽ ngăn cản người đó trở về thiên thượng.

Chữ Ký trong Ngộ Ký

Ngộ Ký (chữ ký có nghĩa chạm trổ, ghi chép) là chạm trổ trên chữ Ngộ, thể hiện vai trò phò giá trên con đường đi tìm Chân Lý. Bạch Long Mã là chú ngựa thần có xác thân cương kiện, giúp Đường Tăng tới được Lôi âm. Bạch Long Mã cùng sư huynh chiến đấu yêu quái và bảo vệ hành lý khi Sa Tăng bị bắt.

Về tiểu sử của Bạch Long Mã, trước kia là một người quân tử, khôi ngô tuấn tú song vì quá mê tửu sắc nên khi bị người tình phản bội đã nông nổi đập nát báu vật mà Ngọc Hoàng Thượng Đế ban cho. Đồng thời, ông ăn thịt con ngựa mà Đường Tăng cưỡi, sau đó được Quan Âm Bồ Tát gọi lên đi theo phò giá Đường Tăng.

Trong cuốn tiểu thuyết Tây Du Ký, mỗi chi tiết, mỗi cái tên đều ẩn chứa những nội dung đáng chú ý. Nếu xét về nghệ thuật dụng tên, bốn đồ đệ của thầy Đường Tăng đều có tên gọi biểu trưng cho một đặc tính thường thấy của thân và tâm trong mỗi người chúng ta trên hành trình đến chân lý. Đặc biệt, hình ảnh kết hợp của thầy trò Tam Tạng lại ẩn giấu một ý nghĩa quan trọng và sâu sắc hơn khi tượng trưng cho chí tu hành, quyết vượt qua bao nhiêu khó khăn, trở ngại tượng trưng bằng 81 kiếp nạn để hoàn thiện chính mình và giác ngộ.

Tây Du Ký: Lý giải cái quay đầu cuối cùng đầy ẩn ý của Đường Tăng dành cho Tây Lương nữ vương

Thứ hai, 05/08/2019 | 10:00 GMT+7

Sự kiện: 

Phim Tây Du Ký

Liệu tình cảm mà Tây Lương nữ vương dành cho Đường Tăng chỉ đơn thuần là một kiếp nạn mà vị đệ tử nhà Phật bắt buộc phải trải qua?

“Tây Du Ký” không chỉ là một tác phẩm kinh điển mà nó còn là hồi ức đáng quý của nhiều thế hệ. Thuở thơ bé, người ta thích “Tây Du Ký” vì thế giới thần tiên muôn vàn phép thuật kì diệu, giới yêu ma muôn hình vạn trạng nhưng vô cùng thú vị.

Dần lớn lên, người ta lại càng khám phá ra rằng “Tây Du Ký”xứng đáng là huyền thoại vì những triết lý nhân sinh ẩn giấu mà Ngô Thừa Ân muốn gửi đến khán giả. Và có lẽ trong những kiếp nạn của Đường Tăng thì Nữ Nhi Quốc chính là kiếp nạn khó quên và mang ý nghĩa sâu sắc nhất.

Tây Du Ký: Lý giải cái quay đầu cuối cùng đầy ẩn ý của Đường Tăng dành cho Tây Lương nữ vương - Ảnh 1

Tây Lương nữ vương có tình cảm với Đường Tăng ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Trên đường đi thỉnh kinh, Đường Tăng đã phải đương đầu với rất nhiều yêu quái lợi hại muốn lấy mạng ngài nhưng trong số đó cũng không ít những nữ yêu lại đem lòng yêu say đắm vị đệ tử tài hoa nhà Phật như: Tỳ Bà Tinh, Hạnh Tiên, Bạch Thử Tinh…

Đối với những nữ yêu này Đường Tăng ngoài khiếp sợ ra thì với thân phận là đệ tử tâm đắc của Phật Tổ ngài quá rõ người và yêu có bao nhiêu khác biệt và không khó gì để thoát khỏi vô vàn quyến rũ của nữ yêu. Thế nhưng, trong cửa ải ở Tây Lương quốc với Tây Lương nữ vương thì lại khác.

Tây Lương quốc hay còn gọi Nữ Nhi Quốc là một trong số 81 kiếp nạn mà Đường Tăng phải đương đầu trên chặng đường đến Tây Thiên thỉnh kinh.

Nữ Nhi Quốc được miêu tả là đất nước có cư dân đều là nữ giới, đàn ông là giống sinh vật không tồn tại ở đây. Phụ nữ tự mình mang thai bằng cách uống nước sông mẫu tử, họ đời đời chỉ sinh con gái. Họ có cuộc sống hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài, tự trồng trọt, săn bắn thậm chí họ có cả quân đội – những nữ chiến binh bảo vệ Tây Lương quốc.

Đặc biệt, ở đây đàn ông được xem như một loại độc dược sẽ gieo rắc căn bệnh vô phương cứu chữa có tên gọi “tình yêu” vì vậy người dân ở đây rất bài xích nam giới thậm chí họ được lệnh phải giết bất kì “sinh vật nam giới” nào để trừ hậu họa.

Tây Lương quốc được lãnh đạo bởi nữ hoàng với nhan sắc tuyệt thế, nghiêng nước nghiêng thành vậy mà vị nữ vương của một vương quốc bài trừ nam giới lại phải lòng Đường Tăng ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Tây Du Ký: Lý giải cái quay đầu cuối cùng đầy ẩn ý của Đường Tăng dành cho Tây Lương nữ vương - Ảnh 2

Tây Lương nữ vương muốn nên duyên vợ chồng với Đường Tăng.

Thậm chí Tây Lương nữ vương thích Đường Tăng đến nỗi muốn kết duyên vợ chồng với ngài ngay lập tức. Biết rõ vương quốc mang trên mình lời nguyền diệt vong khi có một vị hòa thương từ Đông Thổ Đại Đường đến nhưng nữ vương vẫn không không chế được cả lý trí và con tim mà rung động trước vị tăng nhân ấy.

Tình cảm mà nữ vương dành cho Đường Huyền Trang mãnh liệt đến nỗi bà không ngần ngại trao quyền lực tối cao cho ngài nhường lên làm vua còn bà sẽ trở thành hoàng hậu. Nữ vương còn đề nghị cho lộ phí để 3 huynh đệ Tôn Ngộ Không lên đường thỉnh kinh, khi quay về còn được trọng thưởng.

Và khác với những nữ yêu quái muốn lấy Đường Tăng vì những lợi ích đen tối như như trường sinh bất lão, hấp thụ dương khí để tu luyện… thì nữ vương Nữ Nhi Quốc đối với Đường Tăng hoàn toàn khác biệt với họ.

Thứ nhất, bà là con người bằng xương bằng thịt không phải yêu quái và cũng màng đến tu luyện hay phép thuật trường sinh bất lão, tiếp đó bà muốn lấy Đường Tăng không hề mang mục đích muốn trục lợi cho bản thân mà chỉ vì chữ “tình” – tinh yêu chân thành. Và tấm chân tình đó của nữ vương đã khiến cho thử thách ở Nữ Nhi Quốc còn khó hơn gấp nhiều lần những cám dỗ mà trước kia Đường Tăng gặp phải khi đương đầu với những nữ yêu.

Mặc dù ta đều biết kết quả cuối cùng là Đường Tăng với đức tin mãnh liệt một lòng hướng Phật, ngài không hề vì tình cảm nữ nhi mà phá giới đã cự tuyệt tình cảm của nữ vương nhưng lời nói lúc từ chối tình của Đường Tăng lại mang chút gì đó day dứt: “Giá như có kiếp sau”.

Giá như có kiếp sau cả Đường Tăng và nữ vương đều là người thường không mang trên vai chí lớn thiên hạ thì có lẽ hai người lại có một câu chuyện khác. Nhưng thực tế thì trong “Tây Du Ký” Đường Tăng đã cáo biệt Tây Lương nữ vương để tiếp tục cuộc hành trình của mình và các đồ đệ. Và cái quay đầu của Đường Tăng trong lúc từ biệt nữ vương lại mang nhiều ẩn ý bất ngờ mà khán giả có thể vô tình bỏ qua.

Tây Du Ký: Lý giải cái quay đầu cuối cùng đầy ẩn ý của Đường Tăng dành cho Tây Lương nữ vương - Ảnh 3
Tây Du Ký: Lý giải cái quay đầu cuối cùng đầy ẩn ý của Đường Tăng dành cho Tây Lương nữ vương - Ảnh 4

Cái nhìn cuối cùng của Đường Tăng dành cho Tây Lương nữ vương.

Đầu tiên, Đường Tăng quay đầu lại nhìn Tây Lương nữ vương trước khi tiếp tục cuộc hành trình đi Tây Thiên là vì ngài muốn phần nào báo đáp tình cảm mà nữ vương dành cho mình. Vì muốn níu kéo Đường Tăng ở lại mà tình nguyện dâng cả vương quốc cho ngài, tình cảm này mặc dù Đường Tăng không thể chấp nhận nhưng vẫn bị cảm động. Do đó, khi rời đi ngài đã nhìn sâu vào mắt Tây Lương nữ vương như để ghi nhớ phần chân tình và đền đáp lại phần nào tấm chân tình ấy.

Tuy vậy, cũng đừng vì cái quay đầu mà vội kết luận Đường Tăng đã phạm phải tình cảm nam nữ - một trong những điều cấm kị đối với người tu hành. Đường Tam Tạng là một trong những tín đồ mà Như Lai tâm đắc nhất, ngài mang trong mình đủ những phẩm chất của một nhà tu với chí lớn muốn lấy được chân kinh để phổ độ giúp con người thoát khỏi bể khổ.

Và cái quay đầu của ngài cũng là một thể hiện một trong triết lý sâu sắc của nhà Phật đó là “bác ái”, tình cảm mà Đường Tăng có ở kiếp này không chỉ dừng lại ở một cá nhân nào mà là thứ tình cảm bao la, vĩ đại dành cho chúng sinh khắp thiên hạ và dĩ nhiên đối với Đường Tăng Tây Lương nữ vương chỉ đơn thuần là một trong số đó.

Như vậy, chỉ bằng cái quay đầu Đường Tăng đã hoàn toàn khiến những tín đồ nhà Phật yên tâm vì đức tin vẫn luôn vững chãi của mình.

Ngoài ra, nó cũng khẳng định Đường Tăng đã hoàn toàn vượt qua được kiếp nạn ở Nữ Nhi Quốc, ngài đã không bị những cám dỗ làm lu mờ chí lớn, không màng sắc dục công danh, giữ vững bản ngã để hoàn thành hành trình thỉnh kinh.

Còn đối với những người không theo Phật cũng vì cái quay đầu này mà thổn thức không thôi, có day dứt cho một cơ duyên đẹp song vượt lên trên tất cả là sự khâm phục trước tấm lòng sáng như gương khó có được trong thiên hạ của vị tăng nhân này.



Kiếp nạn Nữ Nhi Quốc




Nhắc đến Tây Du Ký, nhiều người xưa nay luôn nhớ về những lần trảm yêu, diệt ma, bảo vệ sư phụ sang Tây Trúc thỉnh Kinh đầy tính liêu trai chí dị. Ấy thế nhưng nếu dùng cái tâm để cảm thì hóa ra, Tây Du Ký cũng là nơi cất giấu đủ những hỉ, nộ, ái, ố của một đời với những câu chuyện về lứa đôi, về chữ tình đành nén xuống dưới chữ nghĩa.


Đường Tăng và Nữ vương Nữ Nhi Quốc chính là câu chuyện như thế. Trước đây xem phim đến tập này, nhiều người vẫn còn thắc mắc yêu quái đâu, kiếp nạn đâu, sao không thấy đánh nhau, sao không thấy trừ gian diệt ác mà không nhận ra rằng: Tây Du Kí có 9981 kiếp nạn, tám mươi kiếp nạn dành cho Tôn Ngộ Không, chỉ có Nữ Nhi Quốc là kiếp nạn của Đường Tăng!

Lúc còn bé, tôi cảm thấy Nữ Nhi Quốc là kiếp nạn dễ nhất, có chút buồn chán, không có yêu quái lợi hại. Lúc lớn rồi mới biết, Nữ Nhi Quốc là kiếp nạn khó khăn nhất, tình quan khổ sở, khổ sở tình quan, cửa ải này quá tan nát tâm can, hỏi thế gian tình ái là gì, gọi một câu "ngự đệ".

Đường Tăng thực sự đã động tâm, vì không để cho mình lưu luyến nên không dám quay đầu.

Khi còn bé cứ nghĩ vì Đường Tăng tránh thoát một kiếp nạn mà vui vẻ, sau khi lớn mới hiểu rằng Đường Tăng đã bỏ lỡ cả một đời.

Nữ Vương trông coi cô tịch thành, Đường Tăng thỉnh siêu phàm lộ. Kiếp sau?

Làm gì có kiếp sau!



Cả đời Đường Tăng chỉ nói dối có hai lần, một lừa gạt Tôn Ngộ Không đeo Kim Cô Giới, một là lừa gạt Nữ vương chuyện kiếp sau!

Trong phim của nữ đạo diễn Dương Khiết, quốc vương Nữ nhi quốc xinh đẹp rực rỡ, cử chỉ duyên dáng thoát tục. Ngay lần đầu gặp Đường Tăng, nữ vương đã si mê tăng sư tới từ Đại Đường. Trên con đường ở vườn hoa cung đình, nàng gọi Đường Tăng là “Ngự đệ ca ca”.

Khoảnh khắc ngắn ngủi đó, Đường Tam Tạng không còn nói về Phật Pháp. Họ trò chuyện như những đôi nam nữ bình thường trên nền nhạc Tình nhi nữ.

“Đây vườn xuân sắc đắm say/Lặng hỏi thánh tăng nữ nhi có đẹp hay không/Sá chi giới luật thanh quy/Buông bỏ mọi thứ, chỉ cần có chàng cuộc đời đã là đủ”.

Sắc đẹp mỹ lệ của nữ vương là kiếp nạn "tình" của Đường Tăng.


Vì Đường Tăng, nữ vương một lòng chịu từ bỏ vương vị: “Nơi này từ nhiều đời đế vương chưa từng có đàn ông đến đây. Nay Đường ngự đệ xuất hiện, âu cũng là ý trời. Quả nhân nguyện lui xuống phía sau, người lên ngôi còn thiếp là hoàng hậu, nguyện cùng người bên nhau, sinh con sinh cháu, vĩnh truyền đế nghiệp”.

Lễ động phòng được tổ chức với ly rượu giao bôi làm chứng. Đường Tăng và người đẹp suýt nữa đã thành vợ chồng thật sự nếu không có sự xuất hiện của yêu quái. Trong đêm, lần đầu tiên thánh tăng đối diện với thất tình lục dục, đổ mồ hôi trước sắc đẹp giai nhân.

Với nàng, chưa một lần Đường Tăng nói không. Người chỉ nói: “Ta ở đây tham phú quý, ai là người tới Tây Thiên thỉnh kinh?”.

Thánh tăng còn nói: “Nếu có kiếp sau…”.

Nữ vương có thể chỉ là một kiếp nạn trên con đường thỉnh kinh nhưng Tình cũng là cửa ải khó khăn nhất của thánh tăng. Duyên trần có thể dứt, khó dứt nổi tương tư, thế nên khi lên ngựa quay đầu rời xa, Đường Tăng đã khựng lại giây lát khi nghe tiếng gọi thân thuộc "Ngự đệ ca ca".

Gặp nhau khó, biệt ly cũng thật khó, nữ vương nhu tình không níu được bước chân người theo Phật. Giây phút biệt ly, nàng chỉ biết trách kiếp này không có duyên nợ.
no image

Giải mã các tư tưởng triết học ẩn sau tiểu thuyết Tây Du Ký


Có người nói, nếu bạn có thể thật sự hiểu được Tây Du Ký, vậy thì bạn đã thấu hiểu hết thảy mọi khổ nạn trên thế gian, cũng là hiểu được ý nghĩa thật sự của cuộc đời này..
Bề mặt là câu chuyện trừ yêu diệt quái, nhưng thật ra nội hàm chân chính của Tây Du Ký là con đường hàng phục ma tính của một người tu hành. Thông qua câu chuyện thần thoại sang Tây Thiên thỉnh kinh, tác giả đã dẫn dắt chúng ta cách khắc phục nội tâm trên con đường nhân sinh, hàng phục tâm ma, cuối cùng lấy được Chân Kinh, thành tựu đời người.


Trong Tây Du Ký, năm vị gồm bốn thầy trò Đường Tăng cùng với Bạch Long Mã, thật ra chỉ là một người, trong truyện cũng nhiều lần ám chỉ về điều này.
Trong đó, Tôn Ngộ Không là tượng trưng cho tâm, Đường Tăng là thân thể, Trư Bát Giới là tình cảm và dục vọng, Sa hòa thượng là bản tính, và Bạch Long Mã là ý chí của con người.


Người Trung Hoa có câu: “Tâm viên ý mã” (tâm con vượn, ý con ngựa), nghĩa là tâm trí con người ta thường xáo động và dễ mất kiểm soát. Cũng bởi vì tâm người luôn bay nhảy tự do như vậy, nên tư tưởng con người có thể qua lại giữa thiên đường và địa ngục, có thể dao động giữa thiện và ác. Vì vậy, về sau này Quan Âm Bồ Tát đã phải tặng cho Đường Tăng chiếc vòng kim cô và bài “Khẩn cô nhi chú” để khắc chế cái tâm này.

Trong Kinh Lăng Nghiêm còn viết rằng: “Tâm có 72 tướng”, tương ứng với 72 phép biến hóa của Ngộ Không. Cái tâm của người đời rất giỏi biến hóa, chỉ trong chốc lát có thể biến ra các loại tâm thái khác nhau.

Luyện tâm có thể khiến lòng người sáng sủa, trí huệ sáng suốt, vậy nên lò Bát Quái không thể thiêu chết mà trái lại còn khiến Tôn Ngộ Không luyện thành hỏa nhãn kim tinh. Mắt của Ngộ Không sáng tỏ là tượng trưng cho trí huệ sáng rực như vàng kim.

Tôn Ngộ Không bị giam dưới núi Ngũ Hành suốt 500 năm, tượng trưng cho cái tâm lên trời xuống đất của con người bị Kim — Mộc — Thủy — Hỏa — Thổ trong thế giới trần tục đè chặt.

Núi Ngũ Hành cũng tượng trưng cho “tham (tham lam), sân (giận dữ), si (ngu si), mạn (ngạo mạn), nghi (hoài nghi)” trong Phật học. Phật Tổ nói rằng, 5 chữ ấy đã khái quát mọi tâm niệm thân hành của con người. Dù Ngộ Không có thần thông quảng đại đến đâu, vẫn không nhảy ra khỏi 5 chữ này. Tôn Ngộ Không khi đại náo Thiên Cung, cũng chính là bị ngũ độc này vây khốn.

Về sau, khi thầy trò Đường Tăng đến Hoả Diệm Sơn, núi Ngũ Hành đã trở thành Lưỡng Giới Sơn (ngọn núi giữa hai ranh giới). Đi qua ngọn núi này, cái tâm từng xáo động không yên đó cuối cùng cũng có thể nhảy ra khỏi Tam Giới.

Bạch Long Mã là ý chí lực. Ý chí của con người giống như ngựa hoang, chỉ khi xác định được mục tiêu tiến tới, mới có thể chuyên tâm chuyên ý mà lấy được Chân Kinh.

Ngộ Không thu phục Tiểu Bạch Long, cũng chính là cái Tâm đã thu phục được Ý, đạt đến tâm ý hợp nhất. Chỉ cần tâm ý hợp nhất, chí hướng kiên định thì không có Tây Thiên nào là không đến được.

Về sau, Ngộ Không và Đường Tăng lại thu phục được Bát Giới và Sa Tăng, nghĩa là “thân, tâm, tình, tính, ý” — đoàn thể hoàn mỹ nhất này đã hợp thành.

Tóm lại, thầy trò Đường Tăng diệt trừ yêu quái trên suốt chặng đường sang Tây Thiên, thật ra chính là người tu hành đang trừ bỏ ma tính trên con đường nhân thế, do đó lấy kinh cũng chính là một quá trình dưỡng tính tu tâm. Linh Sơn thật sự, chính là ở trong tâm người.

Quá trình sang Tây Thiên chính là quá trình trừ bỏ ma tính

Tôn Ngộ Không vừa mới phò trợ Đường Tăng đã đánh chết 6 cường đạo. Trong nguyên tác, tên của 6 cường đạo này lần lượt là: Nhãn Khán Hỷ (Mắt thấy mừng), Nhĩ Thính Nộ (Tai nghe giận), Tỵ Khứu Ái (Mũi ngửi thích), Thiệt Thường Tư (Lưỡi nếm nghĩ), Thân Bổn Ưu (Thân vốn lo), Ý Kiến Dục (Ý thấy muốn) — đây chính là lục căn.

Tôn Ngộ Không đánh chết lục căn, cho thấy lục căn phải thanh tịnh thì mới có thể lên đường lấy Chân Kinh.

Trong suốt hành trình sang Tây Thiên, trước khi Ngộ Không đi xin cơm chay thường vẽ một vòng tròn lớn trên mặt đất, đây chính là giới hạn mà Tâm đặt cho con người, nhưng thân thể của con người (Đường Tăng) lại thường hay bị dục vọng (Trư Bát Giới) dẫn dụ mà xa rời giới hạn ấy.

Vậy là bốn thầy trò dễ dàng rời khỏi giới hạn mà Ngộ Không đặt ra, và khi bước ra khỏi giới hạn ấy họ liền gặp phải các loại yêu ma.

Ngộ Không mở đường dẫn dắt bốn thầy trò tiến về phía trước, trên đường lại không ngừng diệt trừ yêu quái, ý nói rằng Tâm đang hàng phục ma tính.

Mỗi một yêu quái trên đường sang Tây Thiên đều có ngụ ý sâu xa. Hết thảy yêu quái đều là một ẩn dụ, thảy đều là huyễn hóa của ma tính. Mỗi một yêu quái là đại biểu cho Danh — Lợi — Tình nơi thế gian đang trói buộc con người, hết thảy đều xuất phát từ ma tính của bản thân một người.

Ví dụ, Hắc Hùng Tinh xuất hiện trong hồi thứ 16 là do sân niệm của Ngộ Không xui khiến. Hắc Hùng Tinh nổi lửa thiêu hủy thiền viện Quan Âm, cũng chính là ma tính đang trở ngại người tu đắc chính quả.

Ngưu Ma Vương cũng là do ma tính của Ngộ Không biến hóa. Ban đầu, Ngưu Ma Vương cùng Tôn Ngộ Không kết bái huynh đệ, lực lượng ngang nhau, vậy nên phát hỏa cũng chính là bản thân đang so tài với chính mình.

Hồng Hài Nhi và Hỏa Diệm Sơn đều là ngọn lửa trong tâm. Nguyên nhân Hỏa Diệm Sơn hình thành là do năm xưa khi Tôn Ngộ Không chui ra từ lò Bát Quái, vì để trút cơn giận mà đá một miếng gạch chịu lửa xuống trần. Vì cái tâm không chế ước ngọn lửa của bản thân, nên cuối cùng lại đốt cháy chính mình.

Hồng Hài Nhi tượng trưng cho ngọn lửa thù hận. Hồng Hài Nhi phóng Tam Muội Chân Hỏa thiêu cháy Ngộ Không là ngụ ý rằng, một người luôn sống trong thù hận, thì cuối cùng sẽ chỉ làm tổn thương cái tâm của mình.

Hoàng Phong quái biết thổi Tam Muội Thần Phong, đây là đại biểu cho phong khí của xã hội, phong khí xã hội có thể khiến trái tim con người (Ngộ Không) mê mờ lạc mất phương hướng.

Ba hình tượng biến hoá của Bạch Cốt Tinh lần lượt đại biểu cho Tình — Ái — Dục của một người. Ngộ Không đã đánh chết toàn bộ chúng, nói rõ rằng trên đường đời chúng ta nhất định phải khống chế vững tình, ái, dục của bản thân, chớ để nó trở thành chướng ngại tiến bước của chúng ta.

Ngoài ra, Bạch Cốt Tinh (bộ xương trắng thành tinh) cũng tượng trưng cho thân xác phàm của con người. Thân thể có thể khơi dậy bản năng dục vọng, vậy nên Trư Bát Giới bắt đầu ly gián, khiến con người thất lạc mất nội tâm của mình, vì vậy Đường Tăng đã đuổi Ngộ Không đi.

4. Yêu quái là tượng trưng cho các loại mê hoặc của thế gian

Kim Giác và Ngân Giác

Kim Giác và Ngân Giác vốn là 2 đồng tử coi lò luyện đan của Thái Thượng Lão Quân, trốn xuống trần rồi trở thành yêu quái tại núi Bình Đỉnh, động Liên Hoa. Khi thầy trò Đường Tăng đi ngang qua đây, Kim Giác và Ngân Giác đã dùng sợi dây thừng trói chặt Tôn Ngộ Không, sau lại dùng Tử Kim hồ lô nhốt lấy Tôn Ngộ Không.

Ở đây, từ tên gọi có thể thấy Kim Giác đại vương và Ngân Giác đại vương là tượng trưng cho sức mê hoặc của kim tiền, bởi kim tiền có thể trói chặt, phong bế tâm con người, khó mà thoát ra được.

Hoàng Mi Quái

Hoàng Mi Lão Quái giả dạng Phật Tổ ở chùa Tiểu Lôi Âm, đã dùng não bạt vàng nhốt chặt Tôn Ngộ Không. Pháp bảo não bạt vàng này cũng tượng trưng cho tiền bạc, bởi tiền bạc có thể vây hãm cái tâm người ta.

Yêu tinh nhện, rết, và bọ cạp

Bảy con nhện tinh đại biểu cho thất tình lục dục của con người. Thất tình lục dục cũng giống như tấm lưới do nhện giăng lên, có thể trói chặt con người.

Người đời bởi tư niệm sinh tình, bị tơ tình vây khốn. Trên thân của yêu tinh rết có nghìn con mắt, đó chính là tượng trưng cho các loại dục vọng vật chất mà mắt người thấy được.

Bọ cạp tinh đại biểu cho mỹ sắc, mỹ sắc sẽ dẫn dụ người ta giống như con bọ cạp, vậy nên thầy trò Đường Tăng đều không địch nổi nó.

Lục nhĩ mỹ hầu

Mỹ hầu vương thật giả, một Tôn Ngộ Không chân tâm hướng Phật đã đánh bại được một Ngộ Không giả không thật lòng hướng Phật. Đây là hai loại ý chí, hai loại tư tưởng của bản thân trong một người đang tranh đấu với nhau. Đã sinh ta “hai lòng” thì cần phải trừ bỏ hai lòng này; chỉ cần trừ bỏ hai lòng, một lòng một ý, mới có thể đạt được thành công. Vậy nên Tôn Ngộ Không giả bị đánh chết, thầy trò mới có thể tiếp tục lên đường.

Trong sách cũng nói, một nạn này là do ma tính của bốn thầy trò sinh ra: Cái tâm ngông cuồng của Tôn Ngộ Không, cái tâm mê muội không phân thật giả của Đường Tăng, cái tâm đố kỵ của Trư Bát Giới, Sa Tăng, cái tâm ngờ vực lẫn nhau giữa mấy huynh đệ thầy trò…

Quốc trượng nước Tỳ Khưu

Trong hồi thứ 79, Quốc trượng của nước Tỳ Khưu vốn là yêu tinh biến thành. Vì để luyện thuốc trường sinh, yêu tinh đã bắt giữ một nghìn đứa trẻ để mổ bụng lấy tim, sau lại đòi lấy tim của Đường Tăng. Tôn Ngộ Không đã nhanh trí biến thành hình tượng của sư phụ, rồi lên điện diện kiến quốc trượng. Trong sách viết rằng:

“Đường Tăng giả cầm số tim máu chảy ròng ròng, bới từng quả cho các quan xem, thấy toàn là những quả tim đỏ, tim trắng, tim vàng, tim tham lam, tim danh lợi, tim đố kỵ, tim mưu mẹo, tim hiếu thắng, tim hãnh tiến, tim khinh mạn, tim sát hại, tim độc ác, tim sợ sệt, tim tà vọng, tim vô danh, tim mờ ám… toàn là các loại tim xấu xa, chẳng thấy có một quả tim đen nào”.

Tôn Ngộ Không biến thành Đường Tăng giả là ví rằng Đường Tăng và Ngộ Không lúc này đã hợp hai thành một; y mổ cái bụng của mình, rơi ra một đống trái tim, cũng tượng trưng cho “đa tâm”.

Chúng ta thường nói “trong lòng hươu chạy”, người có “hai lòng” sẽ sinh ra tai họa, huống hồ là nhiều tâm như vậy. Chỉ khi thu phục yêu tinh này thì trong lòng mới không có hươu chạy loạn xạ nữa, “đa tâm” đã trở thành “nhất tâm”, một lòng một ý mới có thể thành công.

Cửu Linh Nguyên Thánh

Ba huynh đệ Ngộ Không thích làm thầy thiên hạ, ở Ngọc Hoa châu đã thu nhận ba vị hoàng tử của quốc vương làm đồ đệ, dạy cho họ võ công. Thích làm thầy thiên hạ, không khiêm tốn, bởi vậy đã chiêu mời sư tử tinh, vốn là cháu nuôi của Cửu Linh Nguyên Thánh.

Cửu Linh Nguyên Thánh là một con sư tử 9 đầu, vốn là thú nuôi của Thái Ất Thiên Tôn ở cung Diệu Nham. Đây là một trong những yêu quái lợi hại nhất trên đường sang Tây Thiên, có thể dễ dàng bắt được Tôn Ngộ Không.

Sư tử 9 đầu tượng trưng cho “cửu tư” (9 điều suy nghĩ). Khổng Tử nói: “Bậc quân tử có chín điều suy nghĩ”. Một người nếu như làm được “chín điều suy nghĩ” chính là có thể trở thành bậc Thánh, “cửu tư thành Thánh”, vậy nên mới có tên gọi là Cửu Linh Nguyên Thánh.

5. Khắc phục ma tính của tự thân mới có thể thấy được Linh Sơn

Cuối cùng, Tôn Ngộ Không (Tâm) được phong làm Đấu Chiến Thắng Phật — cho dù chúng ta bắt tay vào việc gì, chỉ cần có thể ước thúc nội tâm của tự thân thì mới đạt được thành công.

Đường Tăng (Thân thể) được phong là Chiên Đàn Công Đức Phật — làm người cần phải thân tâm hợp nhất, mới có thể lấy được Chân Kinh.

Trư Bát Giới (Tình cảm dục vọng) được phong làm Tịnh Đàn Sứ Giả — dục vọng không trừ bỏ được, vậy nên cuối cùng chỉ được phong làm sứ giả.

Sa hòa thượng (Bản tính) được phong làm Kim Thân La Hán — cũng là nói, bản tính trân quý giống như vàng ròng vậy.

Bạch Long mã (Ý chí) được phong làm Thiên Long Bát Bộ Hộ Pháp — cần phải thời thời khắc khắc bảo vệ ý niệm của mình, vậy nên được phong làm Hộ pháp.

Sau cùng Phật Tổ cho nhóm thầy trò kinh không chữ, chính là vì kinh không chữ mới là Chân Kinh.

“Kinh” trong vô tự kinh, là ý chỉ những việc đã trải qua. Những việc trải qua trên suốt chặng đường này mới là “Kinh” chân chính, vượt xa những văn tự nơi thế gian con người. Một người, sau khi trải qua hết thảy mọi việc nơi thế gian, mới có thể giữ được chân tâm, dù chưa đến Tây Thiên thì trong lòng sớm đã thành Phật rồi.

Nội hàm của Tây Du Ký vô cùng uyên thâm. Cùng là một người nhưng đọc vào những lúc khác nhau thì thể hội cũng khác nhau. Ví như khi đọc vào thời niên thiếu và khi đọc vào thời trai trẻ đều có những thể hội hoàn toàn khác nhau. Hơn 20 năm sau đọc lại, lại có thể hội mới.

Một bộ thiên thư bác đại tinh thâm như thế, cả đời người dẫu dày công nghiên cứu cũng khó có thể hiểu cho tỏ tường. Vậy nên, có cả trăm ngàn người lần giở Tây Du Ký, thì những người thật sự đọc hiểu lại chẳng có mấy ai…

no image

Ý NGHĨA CÁC CON SỐ TRONG TÂY DU KÝ

Ý nghĩa Tây Du Ký không chỉ được thể hiện ở tính cách nhân vật, những câu chuyện diệt trừ yêu ma quỷ quái mà kể cả những chi tiết nhỏ như những con số được nhắc đến đều có ý nghĩa thâm sâu.


Ý nghĩa phim tây du ký
Trong truyện cũng như trong phim, chúng ta đều biết rằng Tôn Ngộ Không có 72 phép biến hóa. Ở phía trên, chúng ta đã nói rằng nhân vật này đại diện cho “tâm” của con người. Trong “Lăng Nghiêm Kinh” đã có đề cập: tâm có 72 hướng. Vậy ở đây chúng ta có thể hiểu rằng: 72 phép biến hóa liên tục cũng như tâm con người có thể biến hóa khôn lường, chỉ cần một cái vẩy là có thể biến sang trạng thái khác.
Cuốn “Hoàng đế bát thập nhất nan kinh” đã chỉ ra rằng một ngày con người hiets thở khoảng 13.500 lần. Và Gậy Như Ý của Tôn Ngộ Không cũng nặng 13.500 cân. Điều này có nghĩa Gậy Như Ý cũng là không khí nên dù có cân nặng 13.500 cân thì Tôn Ngộ Không vẫn cầm được.

Giải mã Tây Du Ký: trong phim có nhắc đến 33 tầng trời và 18 tầng địa ngục. Vậy ai có thể di chuyển từ tầng trời đến địa ngục được? Đó chính là linh hồn, là khí độ của con người.


Ngộ Không bị giam dưới chân núi Ngũ hành, điều này tượng trưng cho kim, mộc, thủy, hỏa, thổ của thế giới thế tục kìm kẹp, thao túng cái tâm của con người.

Ngũ hành sơn cũng tượng trưng cho "tham, sân, si, mạn, nghi" (tham lam, giận dữ, ngu si, ngạo mạn, hoài nghi) trong phật học.

Phật Tổ nói rằng, năm chữ ấy đã khái quát mọi tâm niệm thân hành của con người. Dù Ngộ Không có thần thông quảng đại đến đâu, vẫn không thoát ra khỏi năm chữ này.Khoảng cách từ Đông Thổ Đại Đường đến Linh Sơn là 10 vạn 8 nghìn dặm. Đây cũng là khoảng cách mà Tôn Ngộ Không có thể di chuyển đến chi trong 1 cái nháy mắt. Nhưng dù có thể bay 10 vạn 8 nghìn dặm nhưng Ngộ Không vẫn không thể thoát khỏi bàn tay của Phật Tổ Như Lai. Điều này có nghĩa rằng cái ác và cái thiện chỉ cách nhau bởi 1 suy nghĩ. Con người chỉ cần có mục tiêu, có một suy nghĩ thì dù có xa đến đâu cũng sẽ đến.
Tôn Ngộ Không từng bị giam dưới núi Ngũ Hành Sơn trong suốt 500 năm. Ý nghĩa của con số và hình ảnh này đó là cái tâm của con người bị 5 yếu tố Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ ở thế giới trần tục kìm chặt

5.048

Nhẹ hơn binh khí của đại sư huynh, binh khí của Bát Giới và Sa Tăng đều nặng 5.048 cân tương đương với số cuốn kinh thư mà Như Lai đã ban cho Đường Tăng là 5.048 cuốn.

Số ngày thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh 14 năm, cộng thêm 8 ngày phải gặp qυαи тнế Âм, tổng cộng là 5.048 ngày.

Những con số này ngụ ý rằng Trư Bát Giới và Sa Tăng đã nhờ vào sự cần cù miệt mài của mình mà đạt được thành quả.

Mới Nhất

Đọc Nhiều

Loading...