NewVnNews -So với quy mô đã được phê duyệt, các trại tạm giam thiếu hơn 14.000 chỗ (tiêu chuẩn mỗi chỗ 2m2), tạm giữ thiếu hơn 12.000 chỗ.

Các phạm nhân ở trại giam Phú Sơn 4 (Thái Nguyên)
Thượng tướng Lê Quý Vương - thứ trưởng Bộ Công an - cho biết như vậy, tại phiên họp thẩm tra mới đây của Ủy ban Tư pháp về dự án luật này.

Theo hồ sơ dự án Luật tạm giữ, tạm giam vừa được Chính phủ hoàn thiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện toàn quốc có 83 trại tạm giam (công an quản lý 70 trại, quân đội 13 trại), 734 nhà tạm giữ (công an quản lý 700, quân đội quản lý 34) và 224 buồng tạm giữ thuộc các đồn biên phòng ở biên giới, hải đảo, đang quản lý giam giữ gần 48.000 người bị tạm giam, hơn 1.000 người bị tạm giữ.

“Nếu tạm tính sơ bộ mức đầu tư thì cần khoảng 3.600 tỉ đồng để xây dựng cơ sở giam giữ theo đúng quy hoạch”, tờ Tuổi trẻ dẫn lời ông Vương cho biết.

Bên cạnh đó, ông Vương cho biết thêm tình trạng xuống cấp, quá tải của các nhà tạm giam, tạm giữ hiện nay.

Đồng thời cũng đề xuất xây dựng cơ sở giam giữ riêng những người bị kết án tử hình đang chờ thi hành án, tuy nhiên đề xuất này không được Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cùng các thành viên thường trực ủy ban này không đồng tình.

'Tốc độ gia tăng tội phạm nhanh hơn cả dân số'

Mới đây, báo cáo với Chủ tịch nước, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, năm 2014, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng đã khởi tố 77.500 vụ án, tăng 1,4% so với năm ngoái.

Đáng chú ý trong đó tăng chủ yếu thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu và tội phạm về tham nhũng; các nhóm còn lại bao gồm tội phạm an ninh quốc gia, tội phạm ma túy, trật tự an toàn xã hội và xâm phạm hoạt động tư pháp đều giảm.

Trước đó, tại buổi thảo luận tổ chiều 29/10/2013, nhìn nhận tội phạm ngày càng lộng hành, các ĐBQH đề nghị QH có nghị quyết riêng về chống tội phạm.

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nhận định, tốc độ gia tăng tội phạm nhanh hơn tốc độ gia tăng dân số. Cơ quan pháp luật cũng đã có số liệu cụ thể hàng năm tăng cả số vi phạm, số vụ và số bị can, ông Đương lý giải.

Theo ông, số vụ tội phạm được phát hiện như trong báo cáo chưa tương xứng với tình hình thực tế. Nhiều địa phương tội phạm gia tăng và càng ngày càng lộng hành, tích chất phạm tội ngày càng man rợ khiến người dân rất bất an.

ĐB Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) thì lấy dẫn chứng tội phạm cướp giật, lừa đảo diễn ra công khai, man rợ và xảo quyệt ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Ông dẫn ra một thực trạng, tội phạm diễn ra hoành hoành, dân không dám báo công an.

Một thực trạng nữa mà vị đại biểu TP Đà Nẵng dẫn ra, nguy hiểm hơn là tình trạng tội phạm sẵn sàng giết người thân trong gia đình đang diễn ra ngày một nhiều, cho thấy sự suy đồi trầm trọng về đạo đức.

Cùng quan điểm này, ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) nhận định, trong báo cáo của Chính phủ cho thấy, tình hình tội phạm ngày càng gia tăng và thực tế nhìn vào tin tức những vụ cướp, giết, hiếp ngày càng nghiêm trọng, phản ánh xu hướng xã hội bất an, người dân sợ cái ác...


Bình Luận:

Mới Nhất

Đọc Nhiều