NewVnNews - Quốc hội lại “nóng” lên với câu hỏi về những hệ lụy mà hệ thống ngân hàng đang giải quyết như nợ xấu, ngân hàng yếu kém… là trách nhiệm của ai? Liệu những ngân hàng đáng nhẽ đã bị phá sản nhưng được NHNN mua về liệu có thể “sống lại” được không?

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện phát triển kinh doanh, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.

Trả lời những câu hỏi này, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện phát triển kinh doanh, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia (ông Nghĩa cũng từng là Vụ trưởng vụ Chiến lược phát triển - Ngân hàng Nhà nước) khẳng định những ngân hàng yếu kém và bị mua 0 đồng là do chính ông chủ nhà băng sai phạm, có gian lận thật sự trong hoạt động tín dụng.

“Mẹ” của những ngân hàng 0 đồng quá lớn để chết

Nhiều ý kiến cho rằng, việc 3 ngân hàng bị mua 0 đồng là do được chuyển đổi từ ngân hàng nông thôn lên thành thị, quy mô tăng quá nhanh so với năng lực quản lý của cả cơ quan quản lý và ngân hàng. Ông bình luận gì về quan điểm này?

Số lượng ngân hàng được nâng cấp từ nông thôn lên thành thì rất lớn, không chỉ 3 ngân hàng này. Nguyên nhân chính khiến những ngân hàng này yếu kém là do năng lực quản lý không theo kịp tốc độ tăng vốn, tổng tài sản.

Đặc biệt các ông chủ nhà băng lợi dụng tiền gửi của người dân để cho vay chéo, cho vay tập đoàn của họ, tập đoàn của bạn bè họ. Những tập đoàn này chỉ có số ít là đứng tên họ, thậm chí có những công ty con, họ và những người có liên quan không đứng tên. Những công ty này chủ yếu để kinh doanh bất động sản hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh.

Vậy nên, khi kinh tế khó khăn, bất động sản đóng băng, sản xuất kinh doanh khó khăn thì những ngân hàng này bị rơi vào tình trạng mất thanh khoản. Lỗi ở đây là ông chủ nhà băng vi phạm pháp luật về việc cho vay người có liên quan. Vì hoạt động cho vay người có liên quan đã được pháp luật quy định trong Luật các TCTD rồi, nhưng những ông chủ nhà băng đã giấu giếm nó một cách khá kín đáo.

“Những người liên quan này” không đứng tên họ, thậm chí là người thân trong gia đình họ. Họ nhờ một người nào đó đứng tên như bà tạp vụ, ông lái xe. Một ông chủ nhà băng có hàng chục công ty con là chuyện bình thường. Đấy là những điều khó khăn cho cả công tác điều tra của công an, vậy nên thanh tra ngân hàng không thể làm nổi.

Ông có thể nói rõ hơn về quan điểm năng lực quản lý không theo kịp tốc độ phát triển?

Thông thường là các NHTM đang hoạt động ở quy mô nhỏ thì ông chủ nhà băng và HĐQT có thể kiểm soát được hoạt động ngân hàng, đặc biệt là hoạt động tín dụng như cho ai vay bao nhiêu…

Nhưng khi ngân hàng có quy mô lớn hơn thì cùng với những khuất tất trong việc cho vay chéo vào những công ty con của mình khiến cho quản trị bị trở nên vô hiệu. Giám sát của HĐQT đối với những khoản vay đó vô hiệu bởi chính ông chủ nhà băng là người vi phạm nhiều nhất.

Nói thẳng thừng ra, người vi phạm cho vay nhiều nhất chính là chủ tịch HĐQT, tức là ông chủ nhà băng đấy. Chính vì vậy họ đã vô hiệu hóa toàn bộ quản trị rủi ro, giám sát của HĐQT, vô hiệu quá toàn bộ kiểm toán nội bộ. Ở đây tôi muốn nói là một mặt không theo kịp trình độ quản lý, một mặt là có gian lận thật sự.

Chẳng nhẽ thanh tra giám sát ngân hàng giai đoạn đó không phát hiện ra?

Lực lượng của thanh tra giám sát ngân hàng thời điểm đó rất là mỏng so với số lượng ngân hàng. Trong khi đó, thời điểm năm 2008 - 2011 là thời điểm bất động sản, chứng khoán tăng rất là mạnh. Nhiều doanh nghiệp tập đoàn, trong đó có cả ngân hàng lao vào việc kinh doanh, mua bán tích trữ bất động sản. Lực lượng thanh tra giám sát ngân hàng thời điểm đó mỏng như vậy nên không thể kiểm soát nổi.

Thị trường đến này vẫn băn khoăn về nguồn tiền mà NHNN dùng để cho mua 3 ngân hàng 0 đồng?

Mua ngân hàng không tốn xu nào, NHNN có tiền đâu mà mua. Thực tế, một mặt thì NHNN nói đây là “ngân hàng của tao” và dân chúng yên tâm gửi tiền trở lại. Điều này giúp cho tiền gửi của ngân hàng này phục hồi.

Thứ 2, NHNN nói “nếu mày thiếu tao gọi một số ngân hàng đến cho vay”. Trong trường hợp đó, nếu còn thiếu, NHNN sẽ cho nhà băng vay tái cấp vốn đặc biệt.

Tái cấp vốn đặc biệt thì ngân hàng phải chịu lãi suất cao hơn lãi suất thông thường, đây là lãi suất mà NHNN phạt những ngân hàng sai phạm trong hoạt động dẫn đến mất thanh khoản. Đến khi ngân hàng đó được củng cố, thanh khoản trở lại bình thường thì phải trả lại cho NHNN. Tức là, NHNN là con nợ số 1 mà ngân hàng đó phải trả đầu tiên. Như vậy, NHNN không trực tiếp bỏ tiền ra.

Với những ngân hàng này, mình cũng không lo xung đột lợi ích vì NHNN không trực tiếp quản lý mà giao cho một NHTM quản lý. Thực tế với 3 ngân hàng mua 0 đồng, NHNN đã giao cho Vietinbank và Vietcombank quản lý.

Trong trường hợp những ngân hàng này chết thì khoản tiền đó sẽ thế nào?

Làm sao chết được. Nó đã được NHNN mua rồi thì làm sao chết được. Ý tôi muốn nói, nó đã trở thành ngân hàng của cơ quan có máy in tiền trong tay thì làm sao chết được. Cơ quan “mẹ” của nhà băng 0 đồng quá lớn để chết.

Con số nợ xấu 17,21% không có gì bí mật

Khi nợ xấu được đưa về 2,9% thì nguyên Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu lại nói về sự bất nhất của con số nợ xấu như báo cáo Chính phủ đã đưa ra con số nợ xấu của tháng 9/2012 là 4,94%. Nhưng nay, báo cáo Chính phủ trước Quốc hội lần này lại đưa ra con số nợ xấu vào tháng 10/2015 là 17,43%. Trước đó, NHNN cũng từng báo cáo con số nợ xấu vào tháng 9/2012 là 17,21%. Ông bình luận gì về sự bất nhất trong con số nợ xấu mà người tiền nhiệm của Thống đốc Bình đã đưa ra?

Cái đó thì tôi không rõ nhưng để xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng thì người ta phải biết chính xác con số nợ xấu thời điểm đó là bao nhiêu. Con số đó phải được NHNN kiểm tra. Còn việc NHNN báo cáo thế nào thì tôi không rõ. Nhưng tôi khẳng định con số nợ xấu 17,21% đã từng được nghe rất nhiều.

Tôi không biết các con số này được hình thành thế nào nhưng có thể một bên là con số của báo cáo các TCTD, một bên là của cơ quan thanh tra giám sát NHNN.

Con số đó không được công bố công khai vào thời điểm đó. Đó là con số mật.

Vậy con số nợ xấu 17% là hệ quả của quá trình nào?

Còn số 17% là hệ quả của quá trình đẩy tín dụng quá cao trong giai đoạn  2008 - 2011 lên 50% sau đó có sụt giảm đôi chút nhưng đến năm 2011 lại lên 37%. Tín dụng thời kỳ đó dù dưới hình thức này hay hình thức khác đều tập trung vào thị trường tài sản là bất động sản, chứng khoán.

Cũng có một số hoạt động tín dụng tập trung vào những chương trình kích thích kinh tế của Chính phủ. Một số doanh nghiệp tưởng lãi suất thấp nên vay đầu tư trung và dài hạn, nhưng vừa vay giữa chừng thì lãi suất lên vù vù đành phải ngưng lại. Điều này khiến cho nhiều nhà máy "chết" vì không có vốn để xoay vòng và nợ xấu nằm ở đấy.1
-------------
----

Bình Luận:

Mới Nhất

Đọc Nhiều