(NewVnNew) Từ tháng 10 năm nay Nhật Bản sẽ bắt đầu triển khai chế độ quản lí công dân bằng 1 mã số duy nhất cho từng người dân, dùng chung cho tất cả thủ tục hành chính, bao gồm quản lí thuế, thu nhập cá nhân, an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, thảm họa. Cách quản lí mới này được cho là sẽ đơn giản, chính xác hoá những thủ tục hành chính không cần thiết, tiết kiệm các chi phí phát sinh. Một mục đích quan trọng nữa đó là giúp thu đúng thu đủ các khoản thuế, phòng tránh việc nhận những khoản tiền trợ cấp một cách bất chính.
Một bức ảnh trên trang web của Văn phòng Nội các, nữ diễn viên Aya Ueto và một linh vật mới được đặt tên là Maina-chan nhằm thúc đẩy sự ra mắt sắp tới của thẻ My Number, điều mà chính phủ Nhật Bản khẳng định sẽ làm cho cuộc sống của người dân thuận tiện hơn.


Nhật Bản cải cách chế độ quản lí công dân bằng thẻ "My Number" mới

"My Number" là thẻ chứa 12 mã số được cấp riêng cho từng người dân bao gồm người nước ngoài đang sống ở Nhật trên 6 tháng có giấy chứng nhận cư trú hợp pháp, và mã số thẻ sẽ không thay đổi trong suốt cuộc đợi. Từ tháng 1 năm 2016 thẻ "My Number" sẽ được sử dụng chính thức khi làm thủ tục hành chính liên quan tới:
- Các thủ tục kê khai, giấy tờ liên quan đến thuế.
- An sinh xã hội: lương hưu, bảo hiểm y tế, bảo hiểm điều dưỡng, trợ cấp sinh hoạt, trợ cấp trẻ nhỏ...
- Các thủ tục liên quan đến các biện pháp phòng chống thiên tai thảm hoạ như việc chi trả tiền trợ cấp tái thiết cuộc sống do thiên tai.

Thử lấy một ví dụ về việc chi trả tiền trợ cấp an sinh sẽ thấy việc sử dụng thẻ quản lí mới giúp hiệu quả hoá thủ tục hành chính, nâng cao tính tiện lợi cho người dân. Từ trước tới nay người dân phải đi xin giấy tờ liên quan tới thu nhập ở ủy ban hay công ty rồi làm đơn chi trả nhưng sau khi áp dụng thẻ này, tất cả các thông tin được quản lí bởi các cơ quan liên quan sẽ được kết nối, những giấy tờ phải nộp kèm theo sẽ được giản lược, thời gian chờ đợi cũng được rút ngắn như vậy sẽ giảm được gánh nặng về chi phí và thời gian. Hay khi nhận trợ cấp lương hưu, trợ cấp thương bệnh, nhờ việc các cơ quan chức năng có sự liên kết đồng sở hữu thông tin, điều đó sẽ đảm bảo việc chi trả một cách minh bạch và công bằng.

Theo ông Hiromichi Morita, một thành viên lập kế hoạch trong Ban Thư ký Nội các, giám sát dự án, cho biết : "Với hệ thống My Number, chúng tôi mong muốn tạo ra một xã hội công bằng hơn nhiều, nơi mà chính phủ có thể xác định thu nhập của người dân một cách chính xác hơn, lại không có chỗ cho hành vi sai trái như trốn thuế và nhận bất hợp pháp các phúc lợi xã hội. Đó là mục tiêu cuối cùng của chúng tôi"

Thẻ My Number ngoài việc dùng như một chứng minh thư để xác nhận nhân thân dựa vào chíp được gắn bên trong, thẻ còn được sử dụng để thay thế cho thẻ thư viện, thẻ chứng nhận đăng kí con dấu..., tùy vào dịch vụ theo quy định của từng thành phố, từng vùng. Hơn nữa thẻ còn có thể sử dụng cho việc xin các giấy tờ, ủy quyền trên hệ thống hành chính điện tử. Nhưng mở rộng việc sử dụng thẻ ID cũng sẽ làm tăng nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân.

Theo lộ trình từ tháng 7 năm 2017 các thành phố sẽ được kết nối điện tử với nhau thông qua hệ thống này. Điều này sẽ giúp những người chuyển tới một địa phương khác dễ dàng nhận được những dịch vụ công mà không cần phải đi qua những rắc rối khi chứng minh các thông tin cá nhân ở địa phương cũ. Từ năm 2018 các số tài khoản ngân hàng sẽ được liên kết với mã ID của thẻ My Number khi được sự cho phép của khách hàng, Chính phủ Nhật Bản cũng dự kiến sự kết nối số tài khoản ngân hàng và My Number sẽ trở nên bắt buộc từ năm 2021. Chính phủ nhấn mạnh giá trị của việc liên kết các tài khoản ngân hàng và số ID sẽ cho phép cơ quan thuế để xác định chính xác tài sản của cá nhân, qua đó giúp ngăn chặn trốn thuế và khắc phục bất công trong hệ thống thuế. Nó cũng sẽ rất hữu ích trong việc ngăn chặn người dân nhận trợ cấp hưu trí gian lận.

Để giảm thiểu sự phản đối của công chúng vì lo ngại về an toan bảo mật thông tin và xâm phạm quyền riêng tư, chính phủ Nhật ban đầu có kế hoạch hạn chế sử dụng "My Number" dành cho các thủ tục liên quan đến thuế, an sinh xã hội và phúc lợi cứu trợ thiên tai. Nhưng việc sử dụng mã số cá nhân của hệ thống chắc chắn sẽ được mở rộng trong thời gian tới.

Đã có một nỗi lo sợ bao trùm kể từ khi xuất hiện thông tin về thẻ My Number cho đến nay

Từ tháng 1 năm 2016 Nhật Bản sẽ chính thức sử dụng thẻ "My Number", một hệ thống quản lí công dân bằng 1 mã số duy nhất cho từng người dân, dùng chung cho tất cả thủ tục hành chính, bao gồm quản lí thuế, thu nhập cá nhân, an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, thảm họa. Cách quản lí mới này được cho là sẽ đơn giản, chính xác hoá những thủ tục hành chính không cần thiết, tiết kiệm các chi phí phát sinh. Một mục đích quan trọng nữa đó là tạo ra một xã hội công bằng hơn, nơi mà chính phủ có thể xác định thu nhập của người dân một cách chính xác hơn, giảm thiểu các hành vi sai trái như trốn thuế và nhận bất hợp pháp các phúc lợi xã hội.

Những người ủng hộ triển khai cách thức quản lí mới này hy vọng hệ thống này sẽ tăng tốc độ nền hành chính nổi tiếng là chậm chạp của Nhật Bản.

Tuy nhiên với những nguy cơ về bảo mật thông tin và quyền riêng tư, chính phủ đã cam kết thông tin cá nhân của công dân sẽ được bảo vệ triệt để bằng các quy định trong cả hai mặt quy chế và hệ thống. Với sự giám sát của cơ quan bảo vệ thông tin cá nhân độc lập, các hình thức xử phạt vi phạm bảo mật cũng sẽ nghiêm khắc hơn so với bình thường và cho phép người dân tự kiểm tra như ai, khi nào, lí do sử dụng thông tin trên trang web chuyên dụng. Cùng với đó là sự giới hạn trong chia sẽ thông tin, các thông tin cá nhân vẫn được chia ra quản lí bởi các phòng, ban như từ trước tới nay. Tuy nhiên một thực tế, Chính phủ đã không thành công trong việc giảm bớt những lo ngại của công chúng về hệ thống này, đặc biệt là về rò rỉ các số ID chứa nhiều thông tin cá nhân quan trọng và xâm phạm quyền riêng tư.

Lo lắng ngày càng tăng khi tháng 5 vừa qua website của cơ quan quản lí y tế, lao động và phúc lợi đã bị tấn công dẫn đến sự rò rỉ 1.250.000 mẩu thông tin cá nhân. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Kyodo Shimbun cho biết 60% người dân nói rằng họ cảm thấy không thoải mái về các biện pháp an toàn mà họ đang dùng cho các hệ thống ID. Chỉ có 33,6% nói rằng họ hy vọng không có vấn đề nghiêm trọng xảy ra. Cuộc khảo sát cũng cho biết hệ thống quản lý thông tin điện tử tại 20% địa phương không đảm bảo an toàn bảo mật.

Một vấn đề với My Number là một khi hệ thống được kết nối đầy đủ sẽ tạo nên một khối lượng thông tin khổng lồ, đảm bảo an toàn vận hành hệ thống này sẽ là một nhiệm vụ rất khó khăn đối với cơ quan quản lí. Hệ thống mới này cũng sẽ đặt một gánh nặng lên các doanh nghiệp, nhất là các công ty vừa và nhỏ phải đối mặt với những khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vốn và nguồn nhân lực cần thiết để đảm bảo các biện pháp ngăn chặn các số ID bị đánh cắp. 

Theo một cuộc khảo sát do Viện Xúc tiến Kinh tế kỹ thuật Cộng đồng, gần 70% trong số 3.386 doanh nghiệp chưa sẵn sàng với My Number, nhất là các công ty vừa và nhỏ ở ngoài Tokyo. Các doanh nghiệp, hầu hết đều cho rằng nó sẽ chỉ tạo ra nhiều công việc hơn mà không giảm được chi phí và thời gian như mong muốn. Ngoài ra nếu dữ liệu cá nhân chứa các số ID là bị rò rỉ, họ sẽ đối mặt với bốn năm tù giam hoặc một mức tiền phạt  khoảng gấp hai lần mức phạt đối với rò rỉ thông tin cá nhân khác.

Về phía người dân cũng không hào hứng với hệ thống mới này. Người Nhật phần nhiều không hài lòng với mức lương của họ, rất nhiều người tăng thêm thu nhập bằng việc làm ngoài giờ. Cơ quan thống kê thuế cho rằng  thu nhập bình quân của người lao động làm công ăn lương bị giảm một cách đáng kể trong mấy năm gần đây khiến nhiều người lao động tìm kiếm nguồn thu nhập bổ sung, những nơi mà chủ lao động không kê khai thuế.
 Sự ra đời của My Number, theo cơ quan thuế, có thể buộc một số người phải xem xét từ bỏ công việc thứ hai của họ. Việc kê khai thuế tăng khả năng họ bị phát hiện làm ngoài giờ, đó là việc xâm phạm vào quyền riêng tư của họ khi việc làm ngoài giờ thuộc ngành nghề nhạy cảm chẳng hạn hay sự lo ngại về "chân trong chân ngoài", ở một đất nước mà nổi tiếng với sự tận tâm trong công việc.

Đối với cộng đồng người Việt sống tại Nhật, du học sinh là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất khi hệ thống quản lí mới này được triển khai. Đã có một nỗi lo sợ bao trùm kể từ khi xuất hiện thông tin về thẻ My Number cho đến nay, tuy nhiên du học sinh nước ngoài không phải là đối tượng trực tiếp bị điều chỉnh của hệ thống quản lý mới này vì mục đích chính của chính phủ Nhật muốn có cơ chế quản lý con người chặt hơn nữa để thu thuế thu nhập, để tăng thuế tiêu dùng...
Từ trước đến nay Nhật Bản đã quy định thời gian làm thêm tối đa đối với du học sinh là 28 giờ/tuần. Mấy năm gần phần đông du học sinh Việt Nam được các công ty du học đưa sang với mục đích chính là kiếm tiền, sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nhều nhất đặc biệt khi hệ thống My Number được kết nối với các tài khoản ngân hàng.
Những ngành nghề thuộc lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, ăn uống, điều dưỡng, … không thu hút được các lao động trẻ người Nhật nên chính phủ Nhật Bản rất cần sự hợp tác lao động từ các nước Châu Á.

Trên thực tế, theo nhiều du học sinh việc làm thêm 28 tiếng cũng kiếm đủ để sinh hoạt tối thiểu và đủ tiền học mặc dù có hơi chật vật. Nhìn một cách khách quan, ít có nước phát triển nào mà học sinh đi học không cần hoặc cần ít tiền nhà gửi qua như ở Nhật Bản. Có thể nói với My Number sẽ giúp tình trạng các công ty du học dụ dỗ học sinh đổ xô sang Nhật đi du học kiếm tiền gửi về sẽ không thể tồn tại, giúp phong trào du học Nhật từ số lượng đi đến chất lượng.

Trần Xuân Tiến (Từ Tokyo)





Bình Luận:

Mới Nhất

Đọc Nhiều