Hà Huy Hoàng bị cáo buộc lợi dụng danh nghĩa nhà báo để thu thập, cung cấp thông tin cho nữ nhân viên tình báo Trung Quốc.
Bị cáo Hà Huy Hoàng trong phiên tòa sáng 30/9/2015. Ảnh: Bảo Hà |
Bản án tuyên trưa nay của TAND Hà Nội xác định, đầu năm 2009 trên đường đi xe khách từ Lạng Sơn về Hà Nội, Hà Huy Hoàng (phóng viên báo Thế giới và Việt Nam, thuộc Bộ Ngoại giao) quen một cô gái nhận là giáo viên người Trung Quốc, xưng tên Tôn Văn Quế.
Sau hai lần sang Trung Quốc theo lời mời của cô này, Hà Huy Hoàng được Quế giới thiệu có người bạn tên Nhạc Xuân muốn làm quen. Qua thư điện tử, Nhạc Xuân giới thiệu với Hà Huy Hoàng là phóng viên tạp chí Cầu Thị (Trung Quốc), phụ trách các vấn đề về Việt Nam, muốn làm quen để tìm hiểu thông tin phục vụ công việc.
Theo cáo buộc, dựa vào kiến thức của bản thân, thông tin thu thập trong quá trình làm phóng viên, từ giữa năm 2009 đến tháng 6/2011 Hà Huy Hoàng đã cung cấp cho Nhạc Xuân tin tức, tài liệu về Việt Nam gồm: thông tin quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; thông tin kỳ họp Ban chấp hành Trung ương Đảng; thông tin kỳ họp Quốc hội khóa XIII...
Cuối tháng 6/2011, theo điều tra, Hà Huy Hoàng được Nhạc Xuân đề nghị tìm hiểu để cung cấp thông tin bí mật nhà nước, thông tin không được công bố hoặc chưa được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cơ quan điều tra cho rằng qua trao đổi với Nhạc Xuân, từ tháng 6/2011 đến tháng 5/2014, Hà Huy Hoàng nhận thức người này là tình báo Trung Quốc hoạt động thu thập tin tức tình báo dưới danh nghĩa phóng viên nhưng vẫn tiếp tục quan hệ và cung cấp thông tin. Trong số này có việc Hà Huy Hoàng cung cấp cho Nhạc Xuân thông tin về hoạt động của thanh niên, sinh viên Việt Nam hướng về biển đảo; Việt Nam tìm kiếm máy bay MH370 của Malaysia bị mất tích; chủ trương xử lý của Việt Nam đối với vụ việc lợi dụng biểu tình phản đối Trung Quốc để gây rối hòa bình ở Bình Dương... Từ năm 2009 đến tháng 7/2013 Tôn Văn Quế và Nhạc Xuân tổng cộng đã 8 lần mời Hà Huy Hoàng sang Trung Quốc thăm quan các địa danh nổi tiếng. Trong số này, Nhạc Xuân chi trả toàn bộ chi phí 2 chuyến cùng quà tặng. Tại phiên tòa sáng nay, TAND Hà Nội tuyên phạt Hà Huy Hoàng án 6 năm tù về tội Làm gián điệp. Quá trình điều tra vụ án này, nhà chức trách xác định Nhạc Xuân còn liên quan một vụ án gián điệp khác khi cùng một nhân viên cơ quan tình báo Trung Quốc chỉ đạo Nguyễn Đức Tiến hoạt động gián điệp. Năm 2013, Tiến bị TAND tỉnh Lạng Sơn xử phạt 6 năm tù.
Bài báo đã bị xoá trên vnexpress |
Trên rfi cũng đăng tải, đây là vụ án gián điệp hiếm hoi được đưa ra xử công khai, trong bối cảnh căng thẳng với Bắc Kinh về Biển Đông. Ông Hà Huy Hoàng, 55 tuổi, bị bắt giam từ tháng 10/2014, bị kết tội là từ năm 2011 đã cung cấp các thông tin về tình hình nội bộ trong nước và về các lãnh đạo Việt Nam, sau sáu lần sang Trung Quốc.
Báo chí trong nước dẫn cáo trạng cho biết, đầu năm 2009 trên chuyến xe khách từ Lạng Sơn về Hà Nội, ông Hà Huy Hoàng quen một cô gái Trung Quốc xưng tên là Tôn Văn Quế. Sau hai lần sang Trung Quốc theo lời mời của cô này, ông được cô ta giới thiệu với một người tên Nhạc Xuân. Qua thư điện tử, Nhạc Xuân cho biết mình là phóng viên tạp chí Cầu Thị của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Từ giữa năm 2009 đến tháng 6/2011, ông Hà Huy Hoàng đã cung cấp cho Nhạc Xuân các thông tin về quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, kỳ họp Ban chấp hành Trung ương Đảng, kỳ họp Quốc hội khóa 13…Đến cuối tháng 6/2011, nhà báo này được Nhạc Xuân đề nghị tìm hiểu các thông tin thuộc loại bí mật Nhà nước, không được hoặc chưa được công bố.
Theo cơ quan điều tra, từ đó cho đến tháng 5/2014, ông Hà Huy Hoàng nhận thức được người này là tình báo Trung Quốc hoạt động dưới danh nghĩa phóng viên, nhưng vẫn tiếp tục cung cấp thông tin. Trong đó có các hoạt động của thanh niên Việt Nam về biển đảo, tìm kiếm máy bay MH370, chủ trương của Việt Nam về vụ biểu tình chống Trung Quốc ở Bình Dương…
Từ năm 2009 đến tháng 7/2013, Tôn Văn Quế và Nhạc Xuân đã 8 lần mời Hà Huy Hoàng sang Trung Quốc tham quan các địa danh nổi tiếng, trong đó Nhạc Xuân chi trả toàn bộ chi phí và tặng một số quà.
Báo Tuổi Trẻ online cho biết, tại tòa bị cáo nói rằng vì nghĩ Nhạc Xuân là phóng viên nên mới trao đổi thông tin, các tin tức cung cấp đều đã được công khai trên báo chí. Các món quà được tặng chỉ mang ý nghĩa tinh thần chứ không có giá trị vật chất như tranh phong cảnh, ví da, chai rượu…Nhưng tòa trích lời khai, có lần bị cáo nghi ngờ hỏi Nhạc Xuân : « Em là tình báo Hoa Nam à ? » thì người này không trả lời.
Bị cáo cho rằng nhiều lời khai được ghi theo ý chí chủ quan của điều tra viên. Luật sư biện hộ Hà Huy Sơn nhấn mạnh, lời khai và các trao đổi qua phương tiện điện tử không thể dùng làm chứng cứ để buộc tội. Ông cho biết, thân chủ có 15 ngày để kháng cáo và ông Hà Huy Hoàng có ý định này.
AFP ghi nhận, bản tin trên Tuổi Trẻ và các báo mạng khác đã bị rút xuống, một việc thường diễn ra tại Việt Nam đối với các vấn đề nhạy cảm.
Hãng tin Pháp cũng cho biết nhiều viên chức Việt Nam trong đó có cả công an đã bị bắt trong những năm gần đây vì làm gián điệp cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, hiếm khi có việc đưa ra xử công khai các vụ án gián điệp. Và vụ án này lại diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc với Việt Nam do tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, đặc biệt là Tập Cận Bình sắp đến thăm Việt Nam.
Tổng hợp (NewVnNews)
Bình Luận: