NewVnNews - Gần tết nhu cầu sử dụng các loại thịt gia súc, gia cầm nhiều, việc đưa đến các lò giết mổ để làm sạch gia súc, gia cầm ngày càng tăng. Để tiết kiệm thời gian, nhiều chủ lò mổ đã dùng nhựa thông, keo độc, nước rửa chén… để vặt lông gia súc, gia cầm. Việc làm này đã và đang gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.


Chiếc nồi khổng lồ chứa nhựa thông dùng để làm sạch lông heo. 

Công nghệ chế biến, làm sạch gia súc, gia cầm hết sức kinh dị. Để làm sạch lông heo, chủ lò mổ đã sử dụng những chiếc nồi khổng lồ đun nhựa thông sôi sùng sục. Với những bộ phận khó vặt lông như tai, chân, chủ lò đổ nháo nhào vào chiếc nồi nhựa thông khổng lồ đó. Sau 3 phút, các các bộ phận trên được vớt ra và thổi sạch, lập tức thủ, chân, tai heo sạch bóng lông. Sau khi làm sạch, họ tiếp tục ngâm chúng qua một loại dung dịch rồi cho vào túi nilon “quẳng” vào kho lạnh.


Gần đây, một loại hóa chất mới có tác dụng lột sạch lông gà, lông vịt đang dần thay thế các công nghệ cũ như nước sôi, máy vặt lông gà, nhíp nhổ. Với “công nghệ” này, lông của các loại gia cầm được làm sạch “sành sanh”, kể cả lông tơ, chỉ trong vòng vài phút mà giá lại rất “mềm”.

Ở các chợ đầu mối, những người bán gia cầm làm sẵn sau khi cắt tiết gà,vịt sẽ nhúng vào một nồi “hóa chất” một lúc, không biết là loại gì, rồi mới nhúng vào nước lã, “hóa chất” đó thẩm thấu xung quanh các lỗ chân lông rồi đông “cứng” lại. Lúc này, người bán chỉ việc lột nhẹ “mảng hóa chất” có dính lông gà, lông vịt, là sạch trụi lông. Gà vịt làm sạch lông theo kiểu này trông đẹp mắt và hấp dẫn người tiêu dùng. Tìm hiểu, PV được biết, loại “hóa chất” này là keo hỗn hợp từ nhựa thông và sáp. Nhựa thông là phần còn lại sau khi đã tinh chế cây thông để thu tinh dầu. Nhựa thông chứa 70% colofan, thường dùng làm keo. Keo này được dùng trong công nghệ sản xuất giấy. Nhựa thông cũng được kết hợp với phụ gia khác để làm keo dán giày dép và dùng trong việc hàn các vi mạch điện tử. Còn dầu thông được dùng làm thuốc khử trùng, tẩy uế và thuốc diệt cỏ. Cả nhựa thông và dầu thông đều nằm trong danh mục các chất Bộ Y tế cấm, không cho phép đưa vào chế biến thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào. Sáp có thành phần chính là paraffin, có loại có thể ăn nhưng không tiêu hóa được. Paraffin là chất phụ gia thực phẩm, dùng để tăng độ bóng trong sản xuất một số loại kẹo. Tuy nhiên, sáp paraffin nếu chứa dầu và các tạp chất khác thì không được dùng làm phụ gia thực phẩm vì nếu sử dụng thì sẽ gây ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng NTD. Hiện nay, các loại keo nhựa thông và sáp này được bày bán rộng rãi ở các chợ trên cả nước với giá khá hấp dẫn, chỉ khoảng 80.000 đồng/ kg keo nhựa thông và 60.000 đồng/ kg sáp. Các cơ sở giết mổ gia cầm chỉ việc mua về trộn 2 chất đó với nhau rồi nấu là có ngay một nồi “hợp chất” nhổ lông gà, lông vịt. Thông thường tỷ lệ trộn của sáp và keo nhựa thông là 3:1, nghĩa là 3 kg sáp trộn với 1 kg keo nhựa thông. Chưa kể đến một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm lại thu gom những con gà,vịt, heo  đã chết hoặc mắc bệnh để giết mổ và xử lý thành thịt“làm sẵn”, rồi đem đi tiêu thụ tại các chợ, quán ăn, thậm chí vào cả nhà hàng. Phần lớn gia súc, gia cầm loại này được thu mua với giá rất rẻ. Đến khi nào thực khách mới bớt lo trước những thông tin về việc sơ chế và chế biến gia súc, gia cầm, nhất là khi ngày càng nhiều các đường dây buôn bán gia súc, gia cầm chết và bị bệnh? Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn, một mặt cần sớm có phản hồi và công bố về những thông tin liên quan đến hóa chất “độc hại” dùng để nhổ lông gà, lông vịt nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Mặt khác, thì thông báo với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để có những biện pháp kiểm tra và kiên quyết xử lý đối với các cơ sở, cá nhân vi phạm việc giết mổ và tiêu thụ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc. Biện pháp xử lý phải thực sự nghiệm khắc, cụ thể và đủ sức răn đe đối với những “kẻ” chỉ vì đồng tiền mà làm ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Có như vậy, mới làm vơi đi nỗi lo về “hiểm họa” thực phẩm hàng ngày vẫn “rình rập” người tiêu dùng.
Nhã Thiên
                                            Chỉ cần nhúng qua, sẽ rút ngắn thời gian vặt lông nhiều lần
                            

                                 .

Bình Luận:

Mới Nhất

Đọc Nhiều