Chuyện xảy ra khi tôi mới chỉ học lớp hai, cái tuổi đi học còn mang dép trái, câu chuyện của một đứa trẻ nít sáng sáng đến trường còn khóc nhè đòi mẹ. Ai có thể tin rằng một sự việc chỉ thoáng qua trong vài giây ngắn ngủi lại có thể hằn sâu thành ký ức trong tâm hồn của đứa bé ở tuổi ăn còn phải dỗ, ngủ võng còn phải đưa như tôi thủa ấy. Chính tôi cũng không thể ngờ sự việc đó lại theo tôi, đeo bám tôi đến tận bây giờ, và khi nghĩ lại, tôi thầm cám ơn cuộc đời đã ưu ái tặng tôi một món quà lớn.


Năm đó tôi học lớp hai, cô giáo tôi là một cô giáo mới ra trường, còn rất trẻ, chắc là nhỏ tuổi hơn tôi bây giờ, và rất dễ thương. Cô hiền và hát rất hay. Chỗ tôi ngồi là dãy bàn đầu tiên gần bảng nhất, tấm bảng đen bạc thếch, vằn vện những vết mốc nắng mưa. Tôi ngồi sát bên góc trái, kế bên tôi là bức vách quét vôi vàng còn dơ dáy, bạc thếch và nhiều tuổi hơn cả tấm bảng đen. Vì ngồi ở góc xéo rất xa đó mà tôi luôn chỉ có thể nhìn thấy một nửa mặt cô trong khi những đứa khác có thể nhìn thẳng vào mắt cô đen láy, dạt dào nhiệt huyết của một cô giáo yêu nghề, yêu trẻ. Ông trời cho ta cái này sẽ lấy đi của ta cái khác, cũng vậy, ông trời lấy của ta cái nọ chắc chắn sẽ lại bù đắp cho ta cái kia. Cũng chính nhờ ngồi ở góc đó mà tôi có thể nhìn thấy mặt cô giáo tôi ngay cả khi cô quay lên bảng viết bài khi những đứa khác chỉ có thể nhìn thấy lưng cô. Cô tôi hiền, hiền lắm, cô giáo trẻ mới ra trường mà. Cũng tại cô hiền nên đám học trò đâm ra làm biếng. Làm biếng không học bài thì bị la là lẽ dĩ nhiên rồi, vậy mà tụi tôi đua nhau … khóc nhè. Mỗi lần như vậy, cô giáo lại ẵm tụi tôi lên dỗ dành, mái tóc dài nhưng có phần xơ xác của cô nhẹ phủ qua bờ vai gầy guộc, ôm lấy một dáng hình mỏng manh, yếu ớt đang ấp ủ một dáng hình khác -cũng mỏng manh, yếu ớt – vào lòng.

Nhiều lúc tôi có cảm giác cô đang đối xử với chúng tôi như với những đứa nhỏ học lớp măng, lớp chồi, hay lớp lá ở mẫu giáo vậy! Chúng tôi đã bảy tuổi rồi, chúng tôi “lì” và “ma le” hơn tụi mẫu giáo nhiều chứ! Vậy nên thấy cô hiền thì tụi tôi làm tới. Tôi còn nhớ rõ Thắng, anh bạn tôi ngày ấy. Thắng có dáng người mảnh khảnh, mắt sáng, da ngăm sạm, đầu tóc và lông mày lúc nào cũng đen đúa màu bụi bặm, răng hắn kểnh một bên, má cũng lúm một bên đồng tiền. Thắng ngồi tuốt trong góc của bàn áp chót. Cái thân hình tự nhiên của một đứa trẻ sáu tuổi rưỡi, bảy tuổi ở một đất nước mà bơ hay sữa chỉ là thứ gì đó rất mơ hồ và xa xỉ, những bữa cơm có rau luộc với thịt kho là ngon lắm rồi làm cho dáng ngồi của hắn trong góc lớp đã gầy gò, dúm dó, lại càng gầy gò, dúm dó hơn. Và Thắng là đứa quậy nhất trong lớp tôi khi ấy. Thắng thường xuyên không học bài, trốn học đi chơi, học hành kém cỏi, biếng nhác. Cô giáo tôi buồn lắm, đã la Thắng nhiều mà Thắng vẫn chứng nào tật nấy, nhất nhất không có tiến bộ.

Tôi còn nhớ như in buổi trưa hôm đó, một trưa thứ bảy có lẽ là của cuối tháng tư. Tôi đoán là cuối tháng tư phần vì thời gian đó chúng tôi sắp thi học kỳ hai, phần vì tôi nhớ cái nắng ấy, cái nắng gay gắt, hanh hao, khổ sở của trưa Sài Gòn độ cuối tháng tư không lẫn vào đâu được. Tôi biết là thứ bảy vì đó là tiết sinh hoạt lớp cuối tuần. Cả lớp đang ngồi im nghe cô giáo tôi tổng kết, mấy mươi đôi mắt ngây ngô đen sáng, tròn xoe dưới làn tóc mái lởm chởm, nhôm nhoam chăm chú nhìn cô. Cô tôi ôn tồn nói:

– Tuần này các con đều ngoan, có bạn Tiến, bạn Dũng với bạn Thắng hôm thứ ba nghỉ không có phép của phụ huynh, hôm thứ tư thì bạn Nga với bạn Thắng không thuộc bài “Tiếng Hát Sông Lô” còn hôm qua thì Thắng không nộp bài tập toán.

Cô quay sang Thắng: Thắng, con trả lời cô xem tại sao con không chịu học bài? Thắng đứng lên, dù là đứa lười và phá nhất trong lớp, bản năng của một đứa trẻ bảy tuổi sợ mắng cũng làm cho nó run. Thắng đứng im, không trả lời cũng không nhúc nhích, vẻ lì lợm thoáng hiện trên nét mặt tuy non nớt nhưng ngăm sạm màu nắng.

– Con làm cô buồn lắm, con biết không? – Thắng vẫn đứng yên, không cử động

– Con phải biết đọc, biết viết, biết làm toán thì mai mốt mới thành người tốt được chứ! – cô tôi tiếp, Thắng vẫn đứng im

– Con không sợ ba mẹ con buồn lòng sao?

– Thắng vẫn đứng im, nét mặt không còn run và tái như lúc mới bị gọi lên nữa, trái lại, đôi mắt của đứa trẻ sáu tuổi rưỡi có vẻ già trước tuổi đi nhiều. Cái đứa tôi sáu tuổi rưỡi khi nhìn vào đôi mắt ấy thật chẳng hiểu gì, chỉ thấy căng thẳng và sợ hãi như đứa trẻ sợ ngáo ộp vậy thôi.

Cô tôi vẫn nghiêm nét mặt, nét mặt đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in, khi ấy tôi còn quá nhỏ để nhận ra đó là nét mặt của một người mẹ, nghiêm nghị, buồn rầu và khổ đau. Cô tôi nói tiếp: “Chẳng lẽ ba mẹ con không bao giờ nhắc con học bài sao?”

– Dạ không! – Thắng đột ngột trả lời – Ba mẹ con đi lượm ve chai từ sáng đến tối mới về.

Cô giáo tôi lặng đi sững người, mắt mở to nhưng vô hồn. Bởi cái cô tôi thấy bây giờ không còn được nhìn bằng mắt nữa nên đôi mắt hoá dư thừa đâm ngây dại. Cô giáo tôi quay vội lên bảng cặm cụi hí hoáy viết lời của bài hát “Lớp Tôi” và nói vọng xuống lớp: “Bây giờ ta học hát.”
Từ góc xéo nhất nơi tôi ngồi, có lẽ chỉ một mình tôi là biết cô giáo tôi đang khóc.

Người ta nói: “con người sanh ra bình đẳng, chết đi bình đẳng” có thật như vậy không? Có kẻ làm vua từ trong bụng mẹ, sanh ra trong nhung lụa giàu sang, lại có kẻ chịu kiếp ăn mày từ trước khi cất tiếng khóc chào đời. Như vậy há chẳng phải con người ta từ trước khi sanh ra đã có sẵn một địa vị, một vị trí nào đó trong cái xã hội xô bồ này rồi sao? Cái địa vị đó có giữ được không và giữ được bao lâu lại là chuyện khác, nhưng câu nói “con người sanh ra bình đẳng” có thật là đúng không? Nghèo khổ là một cái tội! Nhưng thật tàn nhẫn khi bắt những đứa trẻ chưa bước nổi ra khỏi cổ tích phải gánh chịu nó, đó là sự thiếu thốn tình thương, thiếu thốn sự quan tâm của người làm cha, làm mẹ. Cuộc đời cướp đi của chúng và của anh bạn tôi, Thắng, cái hồn nhiên, ngây ngô trẻ con quý báu.

Tác giả Nancy Nguyen

Cuộc đời bắt những trái tim non nớt đó phải chà sát, phải chai sạn. Rồi lạnh lùng, cuộc đời lấy mất của chúng tuổi thơ, cái mà bất cứ đứa trẻ nào cũng cần và đáng được có, đáng được hưởng. Một mai khi chúng lớn lên, cái gì sẽ là kỷ niệm ấu thơ ngọt ngào, trong vắt, giòn dã tiếng cười làm hành trang cho chúng vào đời? Cái nhìn của những con người như thế về cuộc đời này, về kiếp người này rồi sẽ ra sao? Có ai đảm bảo rằng cái nhìn ấy chắc chắn sẽ vẫn vuông tròn, đầy đặn? Có ai đảm bảo rằng cái nhìn ấy sẽ chẳng méo mó, lệch lạc bởi những tì vết hằn sâu trong tiềm thức từ thủa còn bé thơ? Nước mắt của cô giáo tôi chắc không phải chỉ riêng cho mình Thắng. Tôi không gặp được cô nữa để hỏi cô đã khóc cho những ai, nhưng tôi tin rằng cô đã khóc cho tất cả những đứa trẻ bị cuộc đời đánh cắp mất tuổi thơ và sự chăm sóc.

Từ giây phút cũ kỹ ấy, hình ảnh cô giáo giáo tôi với đôi mắt đỏ cay nồng và những giọt nước mắt lấm lem bụi phấn đã đi vào tâm trí tôi, làm hành trang theo tôi vào đời: hành trang Niềm Tin, một niềm tin sắt son vào tình người. Khi bạn vấp ngã giữa dòng đời hãy tin rằng xung quanh bạn luôn có những cánh tay sẵn sàng giúp vực bạn đứng lên. Khi bạn cảm thấy cuộc sống quá đớn đau, hãy tin rằng quanh bạn vẫn luôn có những tấm lòng.

Đâu đó bên kia góc khuất của những dãy hành lang, những toà nhà là những tâm hồn rất “Người” đang toả sáng. Và cô giáo lớp hai của tôi, với khuôn mặt trắng loang loáng màu nước mắt và bụi phấn, là hình ảnh đẹp nhất mà đời tôi từng có được, nó nuôi dưỡng trong tôi một niềm tin sắt son vào cuộc sống và tình người.

NewVnNews

Bình Luận:

Mới Nhất

Đọc Nhiều