Anh bạn cũ, mới nối lại được sau bao nhiêu năm tháng, ghé qua chơi. Anh ngắm quanh nhà, không thấy tôi đặt bàn thờ những người thân đã mất ở đâu, bèn ngỏ ý "tại sao »? Tôi bảo “anh có thể sẽ là người giàu đấy, vì câu hỏi của anh tuy giản dị nhưng có tiềm năng đáng giá ngàn vàng ».

Mỗi ai đã đặt chân lên mảnh đất Á Đông đều sớm nhận ra rằng: cái chết nằm trong toạ độ căn bản của việc tôn thờ.

Trong một gia đình, một khi ai đã chết, bất kể họ có một bảng thành tích hay, hoặc dở ra sao, đều được « sạch hoá », « linh thiêng hoá », được « phong thánh » - dù là ở hạng áp chót. Vua chúa thì mơ giấc mơ cổ truyền sẽ có được lăng mộ thật lớn lao, còn quan và dân thì tuỳ theo túi tiền cùng sức ảnh hưởng của mình mà mở cuộc cạnh tranh cho tương lai mồ yên mả đẹp, nhà thờ lớn hoặc nhỏ. Từ tinh thần yêu thương nuối tiếc người đã chết, người ta đi về phía cực đoan bên kia của tinh thần: người sống là tục, là hèn, người chết là thiêng, là cao. Xa thêm hơn nữa, người ta cậy vào người đã chết, cậy vào đến mỗi lời nói của họ, thậm chí vặn vẹo lại cả lời người đã chết, quá đi nữa thì bịa ra cả lời của họ, để bắt nạt và khống chế người đang sống.

Sự bi luỵ, thểu não, tiều tuỵ về tinh thần cũng đến từ nơi đây.

Việc thờ cái chết đi rất xa, với đủ các lễ lạt. Đã chết rồi, lại còn phải cầu siêu, đều đặn nhiều lần, nếu không thì “linh hồn của người đã chết sẽ không chịu chết hẳn, cứ quẩn quanh ở nhà ». Tu tập thì phải thấu dừ kĩ, đến mức làm sao thoát được khỏi bị sinh ra trở lại ở đời. Bạn cứ nghĩ cho thật kĩ đi, sự sống quả thực là bị hạ nhục. Cái chết đã trở thành mục đích của sự sống.

Từ lối nhìn này về cuộc sống, con người bị kéo lùi mãi mãi về quá khứ, lấy quá khứ làm chuẩn mực, làm thước đo, làm chân lý, làm thứ thần linh hù doạ. Con người bị tê liệt, sống mòn chờ ngày « hiển thánh ». Sống dầu đèn, chết kèn trống. Cái chết đã được tôn lên thành ra ý nghĩa, thành lý tưởng của cuộc sống. Vì quá khứ quan trọng đến như thế, người ta sẽ có xu hướng tắm rửa, thêu dệt, huyền thoại hóa cái quá khứ, cái quá khứ của mỗi người, của mỗi nhà, của mỗi dòng họ, của mỗi làng xóm, của mỗi cộng đồng. Người ta lầm lạc việc tôn trọng người đã chết với việc phong thánh cho họ.
Những câu chuyện như thế này: bất tận.

Quá khứ thật là quí báu khi nó là một tổng thể những sự thật giản dị, chúng làm nên những bài học đắt giá cho hành trình tiếp đến của cuộc sống. Nhưng khi các sự kiện của quá khứ được thêu dệt, được huyền thoại hóa, chúng trở thành những bài học giả, chúng làm cho chúng ta hoa mắt, lầm lẫn, làm chúng ta học sai, làm chúng ta an tâm lặp đi lặp lại không chán những sai lạc đắt giá.

Vừa dùng trà, tôi vừa giở những quyển ảnh xưa ra xem cùng anh bạn. “Những quyển ảnh này thuộc về những ban thờ của tôi đây, nhẹ nhàng, gần gụi, lắng sâu, kín đáo. Tôi chủ trương thờ sự sống, thờ việc hướng về vui sống.”

Với người rất thân đã mất đi, tôi nhìn nhận như họ đã đi xa, rất xa. Và tôi chủ định làm một bữa cơm nho nhỏ, khi nào trót bận quá thì một ly rượu riêng, ngắm lại những quyển ảnh xưa, tự ôn lại vài kỉ niệm... vào mỗi ngày sinh của họ, và cả vào những khoảnh khắc tự nhiên khác nữa, như thể họ vẫn đang cùng sống với mình, như trong suốt cuộc đời vẫn thế. Kỉ niệm ngày sinh của người đã mất, còn có cách gì gần gụi hơn, quen thuộc hơn, như thể trong suốt cuộc đời chúng ta đã cùng với họ bên nhau? Ngày chết thực tế là một ngày xa lạ, sầu thảm của người đó đối với những người đang sống. Người đã chết chưa bao giờ chia sẻ cái ngày họ chết với người thân đang còn sống! Và không ai có thể kết án chúng ta phải suốt đời đi săn sự sầu thảm, phải đi tìm kiếm sự thương hại bế tắc, vô vọng.
Câu chuyện này đối với riêng tôi thì chả có gì là quan trọng quá. Tôi là hạt bụi, hơn thế nữa, tôi có ý thức để trở thành hạt bụi ngày càng khiêm tốn hơn, trong cuộc sống này.

Nhưng nếu như cả một xã hội, hoặc một phần lớn xã hội chuyển đổi chuẩn mực, đổi việc tôn thờ cái chết thành tôn thờ sự sống, thì đó lại là một bước ngoặt vĩ đại trong đời sống của con người. Khi ấy, chúng ta sẽ biết quí trọng nhau hơn trong bản thân cuộc đời này, từng năm, từng tháng, từng ngày, từng giờ.

Khi ấy, chúng ta sẽ thành thực với nhau hơn, thay vì say sưa đem người đã chết ra doạ nhau, dọa từ lý trí đến dọa đức hạnh. Khi ấy, các « chân lý vĩnh cửu » sẽ tự lỉnh đi, vì chúng không còn nấp được đằng sau những thần linh của cái chết.

Khi ấy, những người thân đã chết sẽ « gần gụi » với chúng ta hơn, vẫn như thường khi trong cuộc đời, chừng nào thiên nhiên còn cho chúng ta biết nhớ đến họ một cách mộc mạc, thật thà.

Và rồi từ đó chúng ta sẽ có nhiều sáng kiến cho cuộc đời vui lên. Đi dọc đất nước đau thương trải dài qua chiến tranh, nghèo đói, lạc hậu, tôi thấy miên man các nghĩa trang trải trên những miền đất nghèo chật hẹp. Thôi tôn sùng cái chết, chúng ta sẽ chấp nhận dần sự ra đi của chính mình và của người thân bằng việc rải tro bụi của mình và của họ xuống núi rừng sông biển. Mỗi khu vực nghĩa trang như thế này sẽ được dành chỗ lại cho việc cải dựng lên ở đó một « tổ hợp thể thao - văn hoá" cho cụm dân cư phường-làng.

Dừng một chút cho câu chuyện « tổ hợp thể thao - văn hoá ». Đó sẽ là trung tâm đời sống tinh thần của một khu dân cư. Ở đó, nửa lớn này là khu thể thao cho mọi loại hình ngoài trời và trong nhà: ngoài trời thì những sân bóng đá, sân bóng bầu dục, có điều kiện nữa thì sân chơi ngựa… trong nhà thì các phòng chơi bóng rổ, bóng ném, bóng bàn, cầu lông, tập thể hình, tập võ… vừa ngoài trời vừa trong nhà nối nhau thì các bể bơi, các sân tennis… Ở đó, nửa lớn kia là khu văn hoá, với thư viện multimedia rộng lớn kết nối internet, các phòng dạy và luyện các môn múa, nhạc, hát, kịch, chụp ảnh, vẽ, làm phim, làm nhạc, viết văn… Trong khu này có rạp biểu diễn, nơi các học viên tự biểu diễn, hội hè, hội thảo, và giao lưu với các bạn bè từ các trung tâm thể thao văn hoá khác, và từ muôn nơi trên Trái Đất này.

Cuộc sống hướng về vui sống là một cuộc sống đối lập với cuộc sống hướng về sầu thảm bi luỵ. Tất cả các chuẩn mực tinh thần khi đó sẽ dần dà được sắp xếp lại vì sự tiến hoá, con người sẽ trở nên giản dị, thành thật, năng động, sáng tạo, lạc quan, kiến thiết.

Anh bạn giục mở chai rượu quà của mình, với chút ưu tư « nhưng mà nhiều người muốn giữ tục xưa… »

Hướng về vui sống là cuộc xoay chuyển tọa độ hướng đích. Sự rộng lòng trong tinh thần của mỗi người, của cộng đồng có ý nghĩa nền tảng, và phải được khẳng định thành nguyên tắc của đời sống. Ai muốn giữ tục xưa thì họ vẫn tiếp tục, không ai ép họ, nhưng họ phải thôi dùng bạo lực tinh thần để ngăn cản những ai khác muốn kiến thiết và xác lập đời sống riêng tư và hội đoàn khác đi. Sống, nhìn suốt chiều dài lịch sử, rốt cục vẫn là lựa chọn, tuy rằng có thể đã hơi quá lạm tốn thời gian. Con người, mỗi người và mỗi nhóm người, phải tự sáng tạo ra chính mình, để trở thành con người. Không có cách nào khác. Chính vì thế mà loài khỉ cổ đại tổ tiên của chúng ta đã thôi là loài khỉ, và chúng ta phải biết ơn họ, biết ơn bằng việc sẽ đi tiếp được con đường tiến hóa của họ.

Anh bạn ngả người, vui vẻ « nào ông bạn, vui Tết sắp về nào. Tôi xin nâng cốc cho một đời sống hướng về vui sống !».

Bình Luận:

Mới Nhất

Đọc Nhiều